Tiếng Việt | English

01/11/2024 - 17:04

NSƯT Vương Tuấn - Người 'có duyên' với các vai nhân vật lịch sử

Tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024, Đoàn Nghệ thuật cải lương (NTCL) Long An dựng vở cải lương Người con của rừng tràm, dựa theo hình tượng người cán bộ cách mạng Trương Văn Bang. Người được chọn thủ vai nhân vật Trương Văn Ba (dựa theo hình tượng Trương Văn Bang) là nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Vương Tuấn. Trước đây, trong vở cải lương Cuộc đời của mẹ, NSƯT Vương Tuấn cũng thủ vai nhà cách mạng Trương Văn Bang và đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018. Anh được xem là nghệ sĩ có duyên với những vai diễn nhân vật lịch sử tại tỉnh nhà.

Là người con của đất Châu Thành, tỉnh Long An, từ nhỏ, NSƯT Vương Tuấn đã say mê nghệ thuật cải lương. Hành trình theo đuổi nghề nghiệp của anh cũng không ít thăng trầm nhưng vì “mê nghề quá” mà anh chưa bao giờ bỏ cuộc. NSƯT Vương Tuấn cũng là một trong số ít nghệ sĩ gắn bó với Đoàn NTCL Long An từ những ngày đầu năm 1988 đến nay.

NSƯT Vương Tuấn

PV: Được biết, đây là lần thứ 2 anh thủ vai nhà cách mạng Trương Văn Bang, anh có cảm nhận thế nào về điều này?

NSƯT Vương Tuấn:

Tôi nghĩ mình có duyên đóng các vai nhân vật lịch sử trong tỉnh. Trong suốt thời gian công tác tại Đoàn NTCL Long An, tôi được trao nhiều cơ hội đóng vai các nhân vật lịch sử nổi tiếng trong tỉnh như Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, thầy Ba Đợi, Trương Văn Bang,... và may mắn đều nhận được sự yêu thương từ khán giả.

Mỗi vai diễn nói chung và vai diễn nhân vật lịch sử nói riêng đều có cái khó nhất định. Đặc biệt là nhân vật lịch sử là một hình tượng có thật nên diễn viên ngoài ca, diễn còn phải chú trọng đến việc toát lên được khí chất nhân vật mà mình đang hóa thân.

NSƯT Vương Tuấn và NSƯT Ngọc Đợi trong vở Người con của rừng tràm

Đây là lần thứ 2 tôi được hóa thân thành nhà cách mạng ưu tú của tỉnh, vẫn rất mới mẻ và nhiều cảm xúc. Trong vở Cuộc đời của mẹ, kịch bản có những điểm nhấn đẩy cao trào cảm xúc, còn trong vở Người con của rừng tràm lần này đòi hỏi khai thác sâu về tâm lý nhân vật. Đó là 2 khía cạnh khác nhau nên không hề có sự lặp lại. Đặc biệt, trong 2 lần hóa thân thành nhà cách mạng Trương Văn Bang, tôi nhận được sự hỗ trợ nhiều từ TS, NSND, đạo diễn Triệu Trung Kiên; NSND, đạo diễn Hồ Ngọc Trinh.

Người con của rừng tràm lần này khai thác khoảng thời gian ông tham gia chỉ huy trận đánh Láng Le - Bàu Cò. Để làm nổi bật phong cách người lãnh đạo, tôi xây dựng hình tượng nhân vật từ tốn, uy nghiêm thông qua từng cử chỉ, cách phát âm trên sân khấu. Ông vừa là cán bộ chỉ huy, vừa là người chồng, người cha, những chuyển biến tâm lý đó cần được thể hiện một cách rõ nét, tự nhiên mới có thể lột tả được nhân vật.

PV: Hành trình để một nghệ sĩ trở thành NSƯT, người “chuyên” đóng các vai nhân vật lịch sử của tỉnh nhà, hẳn là không hề dễ dàng. Anh chia sẻ thêm đôi chút về điều này với bạn đọc?

NSƯT Vương Tuấn:

Tôi không dám nhận mình là người “chuyên” đóng các vai nhân vật lịch sử. Tôi nghĩ đó là may mắn của mình và tôi cố gắng hoàn thành tốt nhất các vai diễn mình đảm nhận.

Từ khi còn là thiếu niên, tôi đã có niềm đam mê to lớn đối với NTCL. Hồi đó, ở xã Phú Ngãi Trị (huyện Châu Thành) quê tôi có gánh hát nhỏ. Anh của tôi hát trong gánh hát đó. Tối nào tôi cũng đến xem anh hát rồi say mê luôn. Tôi theo thầy học hát và cứ hy vọng một lúc nào đó mình cũng sẽ được đứng trên sân khấu. Lúc đó, tôi cũng không nghĩ mình sẽ bắt đầu từ đâu, tới khi có một người cậu trong nghề, cũng ở gần nhà tôi, hỏi tôi có muốn theo nghề không cậu giới thiệu cho! Nhờ vậy, tôi đến làm việc tại Đoàn Cải lương Long An II.

Khi vào nghề tôi mới 22 tuổi, vừa làm hậu đài, vừa học các anh chị em cách ca, diễn. Lần nào cũng vậy, sau khi dàn dựng sân khấu xong, diễn viên lên sân khấu thì tôi đứng sau cánh gà nhìn các anh chị diễn. Tôi học cách ca, lối diễn của các anh, chị. Học đến thuộc lòng lời thoại, đường dây vở diễn, mặc dù bản thân mình chưa lần nào được đứng trên sân khấu. Dần về sau tôi được tham gia các vai nhỏ trên sân khấu. Vở đầu tiên tôi được tham gia diễn là Bạch Viên Tôn Các.

PV: Từ nhỏ, anh đã thích đi hát nhưng khi vào Đoàn NTCL Long An thì chưa được hát ngay, vậy lúc đó anh có cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc?

NSƯT Vương Tuấn:

Tôi chưa bao giờ muốn bỏ cuộc cả! Tôi rất mê nghề nên dù gặp khó khăn cỡ nào cũng tự động viên mình cố gắng học hỏi để hoàn thiện mình. Nhớ lúc mới vào Đoàn NTCL Long An, tôi ca còn yếu lắm! Biết là nếu cứ như vậy sẽ khó có cơ hội phát triển, tôi quyết tâm luyện giọng ca của mình. Lúc đoàn lưu diễn ở tỉnh Đà Nẵng, cứ đêm tôi theo đoàn đi diễn, ngày lại leo lên đỉnh núi gần đó để tập luyện giọng. Trên đỉnh núi vắng người, mình tập luyện thế nào cũng không ảnh hưởng tới ai. Tôi cứ vậy tự hát, tự nghe và tự mình chỉnh sửa, vì tôi nghĩ muốn nhờ ai đó giúp thì trước hết mình phải hiểu rõ mình. Liên tục trong vòng 7 ngày, tôi tìm ra thế mạnh và cách ca phù hợp cho mình. Với tôi, đây là một bước ngoặt thực sự, niềm vui lúc đó bây giờ tôi vẫn nhớ!

PV: Anh có thể chia sẻ thêm đôi nét về đời tư của mình cùng độc giả Báo Long An?

NSƯT Vương Tuấn:

Bà xã tôi có nghệ danh là Kim Ngà hiện cũng là diễn viên của Đoàn NTCL Long An. Chúng tôi gắn bó với nhau từ trên sân khấu đến cuộc sống đời thường nên luôn dành cho nhau sự thấu hiểu, động viên. Chúng tôi cảm thấy mình thực sự may mắn khi được ở trong “mái nhà chung” Đoàn NTCL Long An.

Đều là những người con của Long An, chúng tôi tự hào và hạnh phúc khi được hát cho người dân ở quê hương mình nghe. Dù nhiều chuyến hành trình về vùng sâu ngày trước nắng bụi, mưa lầy vẫn rất ấm áp nghĩa tình, càng hát càng thấy cuộc đời mình gắn bó với quê hương, phần nhằm đáp đền những tình cảm mà khán giả, người dân trong tỉnh dành cho mình!

PV: Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!./.

Cuối năm 1989, Đoàn Cải lương Long An I và II sáp nhập thành 1, mang tên Đoàn cải lương Long An (Đoàn Cải lương quốc doanh Long An). Đến Năm 1993, tỉnh giải thể Đoàn và thành lập Đoàn NTCL Long An. Đây cũng là lúc Đoàn “trẻ hóa đội ngũ” bằng cách tìm kiếm nhân tố mới, đào tạo tại chỗ để hình thành đội ngũ đào, kép thanh xuân, trong đó có kép chính Vương Tuấn.


Quế Lâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết