Tiếng Việt | English

08/07/2018 - 10:21

Nước Anh phát cuồng khi đội tuyển vào bán kết sau 28 năm

Nhiều cổ động viên Anh đã tràn vào một siêu thị bán đồ nội thất Ikea của Thụy Điển, họ phất cờ Anh, reo hò và “chiếm” hết các đệm giường, ghế sôpha được trưng bày tại đây.

Cổ động viên Anh ăn mừng chiến thắng của đội nhà. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơn sốt ăn mừng của nước Anh sau mỗi chiến thắng của đội nhà tại World Cup 2018 càng lúc càng trở nên sôi động. 

Suốt gần một tháng qua, người hâm mộ bóng đá Anh đã sống trong không khí lễ hội liên miên khi đội tuyển của họ đã làm được hơn những kỳ vọng ban đầu. Sau mỗi trận thắng của “Tam Sư” tại World Cup 2018, cả nước Anh lại ăn mừng như thể họ đã lại vô địch thế giới lần đầu tiên kể từ năm 1966. 

Tuy nhiên, mức độ “hoang dã” của những màn ăn mừng từ đầu giải đến giờ có lẽ cũng chưa thấm vào đâu so với những gì đã diễn ra tại London và trên khắp nước Anh sau khi đội tuyển của họ lại vào bán kết sau 28 năm chờ đợi, nhờ chiến thắng thuyết phục 2-0 trước Thụy Điển. 

Tại London, nhiều cổ động viên Anh đã tràn vào một siêu thị bán đồ nội thất Ikea của Thụy Điển, họ phất cờ Anh, reo hò và “chiếm” hết các đệm giường, ghế sôpha được trưng bày tại đây, trước khi bị bảo vệ “lùa” ra ngoài. 

Lần đầu tiên kể từ khi World Cup 2018 diễn ra, cảnh sát Anh đã phải ra khuyến cáo đề nghị các cổ động viên tại London và trên cả nước “ăn mừng có trách nhiệm," sau khi giao thông tại thủ đô London và nhiều thành phố lớn của nước Anh như Manchester và Middlesbrough bị đình trệ nghiêm trọng ngay sau trận đấu khi hàng trăm nghìn người đổ tràn ra đường phố, chặn những chiếc xe buýt đỏ hai tầng lại để “cưỡng ép” cả lái xe và hành khách phải cùng đồng thanh hát bài ''Football’s coming home'' xong mới cho đi tiếp. 

Những tài xế xe buýt London có lẽ đã quen với cảnh cứ mỗi lần đội tuyển Anh thắng trận là cầu London và khu vực lân cận lại bị người hâm mộ “chiếm” làm nơi mở tiệc ăn mừng. 

Lực lượng cảnh sát đông đảo được triển khai bảo đảm an ninh và duy trì trật tự với tinh thần “khoan dung và thông cảm," cố gắng hết sức để không làm ảnh hưởng bữa tiệc ăn mừng sôi động của các cổ động viên, nhưng cũng ngăn chặn dứt khoát mọi hành động quá khích vượt khỏi tầm kiểm soát như việc một số cổ động trèo lên cả nóc xe buýt, đập tay vào thành xe cảnh sát hoặc trèo lên các cột đèn giao thông đang hoạt động… 

Khó có thể trách các cổ động viên Anh khi ngay cả những chính trị gia thuộc đủ mọi đảng phái và các nhân vật nổi tiếng nhất của Xứ sở Sương mù cũng bị cuốn vào không khí ăn mừng và ngây ngất mà lâu lắm mới lại thấy ở nước Anh. 

Từ Hoàng tử William đến Ngoại trưởng Boris Johnson và cựu tiền vệ nổi tiếng của tuyển Anh David Beckham cũng chia sẻ trên mạng xã hội câu hát ''It’s coming home'' đã trở thành câu cửa miệng của hầu hết mọi người dân Anh những ngày này. Thủ tướng Anh Theresa May thì tuyên bố việc tuyển Anh giành vé vào bán kết lần đầu tiên sau gần ba thập kỷ là “một chiến thắng khiến cả đất nước tự hào.” 

Các cổ động viên Anh cho biết mọi chiến thắng đều là lý do để ăn mừng, nhưng chiến thắng 2-0 trước Thụy Điển rõ ràng là một cảm giác rất khác lạ, một niềm vui trọn vẹn cả về tỷ số, ý nghĩa và cách mà đội Anh chiến thắng. 

Trận thắng trước Colombia quá căng thẳng và gay cấn để có thể tận hưởng một cách đúng nghĩa. Bàn thắng của Harry Kane trong trận đầu gặp Tunisia thì quá bất ngờ và chớp nhoáng. Màn vùi dập Panama thì quá dễ dàng và đơn giản. Trong khi đó vào được bán kết bằng cách vượt qua thuyết phục trước một đối thủ khó chơi như Thụy Điển rõ ràng là một chiến thắng ngọt ngào đối với mọi cổ động viên Anh. 

Giới truyền thông Anh thì dường như cũng bắt đầu “tái phát” căn bệnh đã thành cố hữu là tung hô đội tuyển trẻ của huấn luyện viên Gareth Southgate lên tận mây xanh. Một tờ báo vốn “đạo mạo” như The Guardian cũng phải tuyên bố sở dĩ người hâm mộ phát cuồng như hiện tại là vì “đội tuyển Anh dại diện cho những gì tốt đẹp nhất của đất nước.”

Trong khi đó, chính bản thân huấn luyện viên Gareth Southgate thì chỉ đơn giản cho rằng "những chú sư tử non" của ông thu hút được tình cảm của đông đảo người hâm mộ vì họ đại diện cho một nước Anh hiện đại, đa sắc tộc và trẻ trung.

Đây thực tế là đội tuyển Anh đa dạng nhất từ trước đến nay, 11 trong 23 thành viên đội tuyển là cầu thủ da màu hoặc lai, và sự đa dạng đó còn vượt ra khỏi những gì có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ví dụ như một cầu thủ tưởng chừng như “đặc chất Anh” là Harry Kane thực ra lại có gốc gác Ireland. 

Với 2 trận còn lại tại World Cup 2018, đội tuyển Anh đã làm thực hiện được lời hứa là không để các cổ động viên theo họ sang Nga phải về nhà sớm. Còn các cổ động viên ở lại trong nước sẽ còn có thêm những dịp để ăn mừng như những ngày qua./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết