Tiếng Việt | English

11/07/2021 - 10:50

Phải kịp thời giải quyết những bức xúc về môi trường

Nếu như lợi ích kinh tế được cơ sở sản xuất đặt lên trên yêu cầu bảo vệ môi trường (BVMT) và sức khỏe cộng đồng sẽ dễ phát sinh, dẫn đến những mâu thuẫn và xung đột môi trường. Đặc biệt, cùng với sự phát triển công nghiệp cũng là sức ép đối với môi trường nên cần phải được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt và xử lý nghiêm vi phạm.

Hệ thống xử lý nước thải tại một doanh nghiệp

Hệ thống xử lý nước thải tại một doanh nghiệp

Nhiều sức ép đối với môi trường

Nhìn chung, các xung đột môi trường diễn ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua không nhiều. Mấy năm gần đây, Bộ phận Tiếp dân của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ tiếp nhận vài chục trường hợp liên quan đến lĩnh vực môi trường. Nội dung đơn, thư khiếu nại chủ yếu xoay quanh các vấn đề bức xúc về xả nước thải và mùi hôi.

Đơn cử, cách đây chưa lâu, nhiều người dân ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa rất bức xúc về việc một nhà máy sản xuất gây tiếng ồn lớn, xả khí thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, cuộc sống. "Vì quá bức xúc, người dân đã nhiều lần phản ánh, làm đơn tập thể trình bày sự bức xúc về nhà máy gây ô nhiễm đến cơ quan chức năng, các cấp chính quyền" - ông Nguyễn Văn Tâm - một người dân ở địa phương, cho biết.

Theo cơ quan chức năng, những xung đột môi trường trong giai đoạn 2016-2020 tại tỉnh thường là việc đòi bồi thường thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi do cơ sở sản xuất xả nước thải trực tiếp ra môi trường chưa qua xử lý. Trong khi đó, trên lĩnh vực nông nghiệp, tình trạng chăn nuôi, lò mổ, xí nghiệp chế biến thực phẩm quy mô nhỏ, lẻ, manh mún, tự phát vẫn còn xả thải trực tiếp ra bên ngoài làm tăng ô nhiễm và xung đột.

Các phương án giải quyết loại vụ việc xung đột này thường là các bên thông qua chính quyền địa phương để thỏa thuận một mức bồi thường tượng trưng hoặc chuyển hóa thành một khoản tiền có tên gọi là tiền "hỗ trợ cải tạo môi trường". Tuy vậy, tiền không phải là tất cả nếu sức khỏe, tính mạng người dân bị đe dọa bởi những yếu tố độc hại từ môi trường. Vì vậy, việc kiểm tra, giám sát môi trường phải luôn được quan tâm thực hiện.

Điều đó càng là bức thiết trong bối cảnh phát triển dân cư, đô thị hóa, sản xuất nông, lâm, thủy sản, giao thông, nhất là sản xuất công nghiệp đặt ra nhiều áp lực, sức ép lên môi trường. Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hiện toàn tỉnh có 16 khu, 22 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, ở tỉnh còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư. Nhiều cơ sở công nghiệp các loại hình khác nhau nhưng công nghệ sản xuất, thực hiện công tác BVMT vẫn chưa đồng bộ, có nơi tốt nhưng có nơi còn hạn chế, bất cập.

Qua kiểm tra, phát hiện những vi phạm như xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường, xả trái phép nước thải không qua xử lý vào hệ thống thoát nước mưa, không thực hiện đấu nối nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vào hệ thống khu xử lý nước thải tập trung, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình BVMT. Thậm chí, nổi cộm như Cụm công nghiệp Hoàng Gia đóng tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa đã gần 15 năm qua vẫn chưa xong khu xử lý nước thải tập trung đưa vào vận hành.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng phát sinh nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm xả thải trực tiếp ra kênh, rạch vẫn còn xảy ra. Đơn cử như tuyến sông Bảo Định chảy qua địa bàn TP.Tân An, những năm gần đây có chiều hướng ô nhiễm hữu cơ gia tăng.

Đối với chất thải rắn sinh hoạt, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có khoảng 570-590 tấn được thu gom và đưa đi xử lý ở Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, huyện Thạnh Hóa và Đa Phước ở TP.HCM, một số huyện đổ tại bãi rác của huyện. Tuy nhiên, vấn đề thu gom, phân loại, xử lý và nơi tiếp nhận xử lý rác vẫn còn những khó khăn, tồn tại, áp lực về nơi tiếp nhận, xử lý rác, vẫn phát hiện chất thải nguy hại lẫn với chất thải rắn thông thường.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ

Theo Thượng tá Lại Văn Út - Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, từ năm 2015-2020, Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường chủ trì kiểm tra, phát hiện tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành gần 100 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền gần 17 tỉ đồng.

Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Văn Cẩm cho biết: "Từ năm 2015 đến tháng 3-2021, toàn tỉnh ban hành 557 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT với tổng số tiền hơn 33,3 tỉ đồng".

Dù xung đột môi trường ở tỉnh thời gian qua không nhiều, chưa đến mức nghiêm trọng nhưng không có nghĩa là không có sự bức xúc, phản ánh và những nguy cơ. Nếu như lợi ích kinh tế được cơ sở sản xuất đặt lên trên yêu cầu BVMT và sức khỏe cộng đồng thì sẽ tiềm ẩn và làm xuất hiện những mâu thuẫn, dẫn đến khiếu kiện của người dân xung quanh, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.

Vì vậy, xung đột môi trường không chỉ là vấn đề kinh tế - kỹ thuật mà còn là vấn đề xã hội. Ngoài quản lý, giám sát của Nhà nước thì cần sự tham gia của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chuyên môn như trường đại học, viện nghiên cứu vào hệ thống quản lý môi trường.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BVMT và xử lý vi phạm phải đặc biệt được các cấp, các ngành chuyên môn quan tâm thực hiện tốt. Song song đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về công tác BVMT, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các sự cố môi trường.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh và hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác BVMT, quan tâm giải quyết những mặt tồn đọng, hạn chế liên quan đến thu gom, xử lý rác. Luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng các cuộc thanh, kiểm tra về BVMT, có trọng tâm, trọng điểm. Kiểm soát chặt chẽ công tác BVMT tại các khu, cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành liên quan cần thường xuyên giám sát, quan trắc, đánh giá môi trường, chất lượng nước, không khí ở các khu vực, nhất là ở những địa bàn phát triển công nghiệp, khu vực sông, kênh, rạch gần các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình, có giải pháp chấn chỉnh, giải quyết kịp thời ô nhiễm nếu có và xử lý nghiêm vi phạm. Qua kiểm tra, giám sát, yêu cầu các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp quan tâm đầu tư công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường.

Trong thu hút đầu tư, các cấp, các ngành cũng quan tâm tham mưu giúp tỉnh để có sự chọn lọc, không tiếp nhận đối với những đơn vị sản xuất với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm. Vấn đề này, cũng được lãnh đạo tỉnh nhiều lần nhấn mạnh, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế mà phát triển kinh tế bền vững phải đi đôi với thực hiện tốt công tác BVMT.

Ngoài ra, các cấp, các ngành liên quan cần thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận, phản ánh, bức xúc của người dân về môi trường. Qua đó, gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với người dân để kịp thời giải quyết, chấn chỉnh ngay những bất cập, bức xúc về môi trường./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết