Phan Phát Sanh tên thật là Nguyễn Chích, còn có tên là Lạc - sinh năm 1893 ở làng Tường Khánh (nay là phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An), con của ông Phan Núi, làm cảnh sát ở Chợ Lớn.
Giao du rộng và có nét khôi ngô tuấn tú, 17 tuổi Phan được Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Văn Hiệp suy tôn đứng đầu cuộc vận động nông dân chống Pháp ở Nam kỳ và dùng phép thuật mê tín để huy động lực lượng. Để phất ngọn cờ, Phan Phát Sanh tự tôn mình là “Đông cung” con vua Hàm Nghi, xưng Phan Xích Long hoàng đế, lập căn cứ ở Thất Sơn, cho in rải nhiều truyền đơn cổ xúy dân tình nổi dậy theo mình chống Tây để giành độc lập; hội của Phan được hàng trăm nông dân ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định hưởng ứng, xin vào tổ chức - mà lịch sử gọi là Thiên địa hội hay Hội kín.
Đêm 23 rạng sáng 24-3-1913, Thiên địa hội từ vùng ven tiến quân vào Sài Gòn và Chợ Lớn, định dùng bom tay và tạc đạn phá dinh Thống đốc và Khám Lớn của Pháp với hiệu lệnh bùa phép sẽ “xái đậu thành binh”. Nhưng bom không nổ, kế hoạch lại bại lộ từ trước. Trước đó 2 ngày, Phan bị mật thám Pháp giăng lưới bắt ở Phan Thiết, sau bị Pháp kết án khổ sai chung thân cùng 5 người cầm đầu quê ở vùng Cần Giuộc là Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Màng, Nguyễn Thọ, Trương Phước. Sự kiện Phan Phát Sanh bị giam vào Khám Lớn và việc “xái đậu thành binh” bất thành gây chấn động dư luận, kích động thêm lòng yêu nước.
Tháng 2 năm 1916, thừa cơ hội phát-xít Đức bại trận trong thế chiến thứ nhất, Hội kín của Phan Phát Sanh cùng giới giang hồ bên ngoài tìm cách phá ngục, nhằm giải thoát “Hoàng đế” và những người cầm đầu bị bắt. Đêm 16-2-1916, hơn 300 hội viên Hội kín đồng phục đen, cột khăn tay trắng để làm hiệu, thủ võ khí từ các tỉnh Tân An, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa đột nhập về trung tâm thành phố. Thực dân Pháp thẳng tay khủng bố, giết tại trận nhiều chiến sĩ Hội kín và thường dân.
Ngày 22-2-1916, Phan Phát Sanh (tức Phan Xích Long hoàng đế) cùng 37 “đồng đảng” bị Toà đại hình Sài Gòn khép tội tử hình và đưa ra bắn tại Đồng tập trận (chỗ ngã tư đường Cách mạng Tháng Tám và đường Điện Biên Phủ, TP.HCM hiện nay).
Hai vụ phá Khám Lớn và đánh vào đầu não thực dân Pháp ở Sài Gòn tuy bất thành nhưng qua đó, không chỉ biểu dương lòng yêu nước của các tầng lớp đồng bào, mà còn lưu danh phong trào Thiên địa hội Nam kỳ và tên tuổi Phan Phát Sanh vào lịch sử Việt Nam thế kỷ XX./.
Long Thái