Acid sulfuric bao phủ dày đặc, nhiệt độ nóng tới mức có thể làm chảy cả chì, bề mặt sao Kim được cho là hoàn toàn không có sự sống. Trong hàng thập kỷ, các nhà nghiên cứu cho rằng bản thân hành tinh này đã chết với lớp vỏ dày không hề bị thay đổi bởi những hoạt động địa chất hoặc núi lửa.
Tuy nhiên, những dấu hiệu núi lửa hoạt động trên sao Kim gần đây đã cho thấy, ít nhất về mặt địa chất, sao Kim vẫn sống.
Maat Mons, cao 9km, là ngọn núi cao nhất sao Kim. Dấu hiệu một cấu trúc sụp xuống tạo thành hõm chảo cho thấy dấu hiệu của một vụ phun trào núi lửa. Ảnh: NASA
Phát hiện trên đến từ tàu vũ trụ Magellan của NASA đã được phóng lên quỹ đạo sao Kim cách đây 30 năm và sử dụng radar xuyên qua những lớp mây dày trên hành tinh “anh em” của Trái Đất.
Những hình ảnh được công bố cho thấy một miệng núi lửa, hay hõm chảo (caldera - vùng trũng giống hình một chiếc chảo lớn, tạo ra do sự phun trào của bể chứa magma - ND), đang phát triển mạnh trong khoảng thời gian 8 tháng. Trên Trái Đất, sự hình thành hõm chảo là một sự kiện hiếm gặp, chỉ xảy ra vài lần mỗi thế kỷ. Chỉ có bảy vụ hình thành hõm chảo xảy ra từ năm 1911 - 2016, gần đây nhất là ở núi lửa Kīlauea ở Hawaii vào năm 2018.
"Tôi vô cùng thích thú khi chứng kiến điều này", Martha Gilmore, một nhà khoa học hành tinh tại Đại học Wesleyan, người không liên quan đến nghiên cứu, cho hay.
Trong khi đó Robert Herrick, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Alaska - chủ nhiệm nghiên cứu cho rằng: "Giờ thì chúng ta có thể bác bỏ việc sao Kim là một hành tinh chết".
Phát hiện trên, được công bố trên trang Science, khiến cho sao Kim là thiên thể thứ ba trong Hệ mặt trời có núi lửa hoạt động, cùng với Trái Đất và Io - Mặt trăng của sao Mộc. Việc phát hiện ra nhiều núi lửa hơn trên sao Kim từ các dữ liệu cũ và mới sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về bên trong của hành tinh này cũng như sự tiến hóa của nó.
Những năm gần đây, các nhà khoa học đã tìm thấy một số manh mối về hoạt động địa chất trên sao Kim. Năm 2010, các nhà khoa học nghiên cứu dữ liệu từ Venus Express - tàu vũ trụ thám hiểm sao Kim đầu tiên của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, đã phát hiện ra 3 khu vực nóng bất thường, nơi mà họ cho là dòng chảy nham thạch hàng triệu năm tuổi vẫn chưa nguội đi. Một vài năm sau, tàu vũ trụ này phát hiện ra một lượng lớn sulfur dioxide trên sao Kim, cho thấy nó đến từ một nguồn khác, chẳng hạn như các núi lửa. Năm 2021, sau khi phân tích một lần nữa dữ liệu từ tàu vũ trụ Magellan, các nhà nghiên cứu đã thấy các khối vỏ hành tinh chen chúc nhau lộn xộn - một dấu hiệu cho thấy các lớp đá đang chuyển động dưới bề mặt
Với những dấu hiệu trên, Herrick quyết định xem xét lại dữ liệu của Magellan.
"Điều này giống như mò kim đáy bể mà không có gì đảm bảo sẽ có một cây kim ở đây", Herrick cho hay. Ông đã nhắm đến một số đối tượng cụ thể, trong đó có Maat Mons. Maat Mons, cao 9.000 mét, là ngọn núi cao nhất sao Kim. Cuộc săn tìm hoạt động núi lửa trên sao Kim vô vùng khó khăn nhưng sau hàng trăm giờ đối chiếu các dữ liệu, Herrick phát hiện ra một thứ trông như một hõm chảo đã thay đổi. Sự thay đổi của hõm chảo này là bằng chứng rõ ràng cho thấy hoạt động của núi lửa trên sao Kim.
Suzanne Smrekar, một nhà địa vật lý thuộc Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA cho biết, trên sao Kim, không có các đĩa kiến tạo được tổ chức nhưng hơi nóng thoát ra tại các vị trí trên bề mặt của nó tương tự như những gì từng xảy ra tại những nơi đĩa kiến tạo hình thành nên đáy đại dương của Trái Đất. Việc hiểu về hoạt động địa chất phức tạp như các đĩa kiến tạo có thể mang đến những manh mối trong hành trình tìm kiếm các hành tinh có thể sinh sống được trong vũ trụ.
Trái Đất là một hành tinh đặc biệt trong Hệ Mặt trời vì nhiều lý do, trong đó có bầu khí quyển, nước ở thể lỏng và Mặt trăng.
"Thậm chí nếu sao Kim không giống hệt Trái Đất trước kiến tạo mảng thì việc nghiên cứu hành tinh này vẫn có thể cung cấp những hiểu biết giá trị về quá trình địa chất trong những ngày đầu hình thành hành tinh của chúng ta", Tristan Salles - nhà địa mạo học thuộc Đại học Sydney đánh giá./.
Kiều Anh/VOV.VN