Tiếng Việt | English

28/01/2024 - 14:24

Phát hiện chưa từng có về nước trong không gian

Nhờ kính Hubble, các nhà thiên văn học đã phát hiện những phân tử nước trong không khí của một hành tinh cách trái đất khoảng 97 năm ánh sáng.

Mô phỏng một hành tinh và sao trung tâm của nó (THE ASTROPHYSICAL JOURNAL LETTERS)

Nước trong không gian vừa được tìm thấy trong khí quyển của hành tinh, được đặt tên GJ 9827d. Đây là hành tinh có đường kính gấp đôi địa cầu và là hành tinh nhỏ nhất ngoài trái đất có hơi nước trong khí quyển, theo báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters.

Sứ mệnh Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện hành tinh trên đang xoay quanh sao lùn đỏ thuộc chòm sao Song Ngư vào năm 2017. GJ 9827d mất khoảng 6,2 ngày để hoàn tất vòng quay quanh sao trung tâm.

Sau 3 năm quan sát bằng kính Hubble, các nhà thiên văn học xác định được khí quyển của hành tinh này chứa nhiều phân tử nước.

Nước rất quan trọng cho sự sống, nhưng GJ 9827d khó có thể cưu mang những dạng sự sống như chúng ta đã biết vì nhiệt độ bề mặt hành tinh quá cao.

Nhiệt độ trên hành tinh lên đến 427 độ C, biến nó thành một thế giới ẩm ướt và nóng không thua sao Kim của hệ mặt trời.

"Nước trên hành tinh nhỏ bé như thế này thực sự là phát hiện chấn động trong quá trình tìm kiếm nước trong không gian", Đài CNN dẫn lời đồng tác giả báo cáo Laura Kreidberg của Viện Max Planck về Thiên văn học ở Heidelberg (Đức).

Còn theo đồng tác giả Björn Benneke, đây là lần đầu tiên nhân loại có thể chứng minh được, bằng việc nghiên cứu khí quyển hành tinh, những hành tinh với khí quyển đẫm nước trên thực tế vẫn có thể tồn tại xung quanh các ngôi sao khác./.

Theo thanhnien.vn

 Nguồn: https://thanhnien.vn/phat-hien-chua-tung-co-ve-nuoc-trong-khong-gian-185240128103447363.htm

Chia sẻ bài viết