Tiếng Việt | English

01/01/2022 - 10:45

Phát triển chip điện tử cấy dưới da lưu thông tin tiêm chủng COVID-19

Những chiếc chip này rẻ hơn một nửa so với các thiết bị theo dõi sức khỏe đeo được nhưng có thời gian sử dụng lên đến 20 năm, 30 năm hay thậm chí 40 năm.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Trelleborg, miền Nam Thuỵ Điển. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Trelleborg, miền Nam Thuỵ Điển. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công ty DSruptive Subdermals của Thụy Điển, chuyên về vi điện tử cấy ghép, mới đây đã phát triển một loại chứng nhận tiêm phòng COVID-19 dưới dạng một chip điện tử cấy dưới da.

Dự kiến sẽ có hàng nghìn người ở Thụy Điển ủng hộ và bước đầu ứng dụng hình thức chứng nhận COVID-19 mới này.

Ông Hannes Sjoblad, Giám đốc điều hành của DSruptive Subdermals - người đặc biệt quan tâm đến vấn đề quyền riêng tư - cho biết ông đang sở hữu một chip điện tử cấy dưới cánh tay và đã lập trình chip này để lưu trữ thông tin tiêm chủng của mình với mong muốn thông tin có thể dễ dàng truy cập chỉ bằng cách quét điện thoại lên con chip và mở khóa.

Theo ông Hannes Sjoblad, thiết bị cấy ghép có giá lên đến 100 euro (113,4 USD) đối với phiên bản cao cấp. Những chiếc chip này rẻ hơn một nửa so với các thiết bị theo dõi sức khỏe đeo được nhưng có thời gian sử dụng lên đến 20 năm, 30 năm hay thậm chí 40 năm. Trong khi đó, các sản phẩm theo dõi sức khỏe chỉ sử dụng được từ 3-4 năm.

Người điều hành của DSruptive Subdermals cho rằng phương pháp lưu trữ thông tin này là một trong những thử nghiệm của công ty và sẽ trở thành sản phẩm được ứng dụng rộng rãi từ nay đến đầu năm 2022.

Trong khi thừa nhận nhiều người coi việc cấy ghép chip điện tử là một phương pháp "đáng sợ" như một thiết bị giám sát cá nhân, ông Sjoblad cho rằng thay vào đó mọi người nên coi đây là một thẻ định danh (ID) đơn giản. Thiết bị này không có pin, không thể tự truyền dữ liệu do đó chúng không giám sát được vị trí của người sử dụng mà chỉ được kích hoạt khi chạm bằng điện thoại thông minh.

Ông cho biết việc cấy ghép là hoàn toàn tự nguyện đối với mọi người.

Mặc dù phương pháp trên chưa phổ biến, song hàng nghìn người ở Thụy Điển đã lựa chọn cấy các thiết bị điện tử dưới da trong những năm gần đây.

Phương pháp trên đã giúp loại bỏ việc ghi nhớ các thông tin như chìa khóa thông minh, danh thiếp, thẻ giao thông công cộng và mới nhất gần đây là thẻ tiêm chủng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích