Tiếng Việt | English

15/06/2016 - 08:14

Phi công Nguyễn Hữu Cường đang trên tàu biên phòng vào bờ

Sáng 15-6, một tàu đánh cá của ngư dân Hà Tĩnh phát hiện phi công Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi), phi công trên máy bay tiêm kích Su-30MK2 mất liên lạc trên vùng biển Nghệ An.

 

Vị trí phát hiện phi công Cường ở tọa độ 19 độ 14 phút vĩ Bắc và 106 độ 28 phút kinh Đông

Trao đổi với Tuổi Trẻ lúc 6g30 sáng 15-6, thượng tá Nguyễn Công Lực - Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An xác nhận thông tin một tàu cá của ngư dân đã phát hiện phi công Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi, quê Bắc Giang).

Theo thượng tá Lự, khoảng 4g30 sáng nay lực lượng biên phòng nhận được tin báo từ anh trai phi công Cường về việc có một tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh mang số hiệu HT-20219TS phát hiện phi công Cường ở trên biển.

Vị trí phát hiện phi công Cường ở tọa độ 19 độ 14 phút vĩ Bắc và 106 độ 28 phút kinh Đông, cách vị trí máy bay mất liên lạc ban đầu khoảng 28 hải lý về hướng Đông Bắc.

Theo Báo Nghệ An Online, khi chiếc máy bay gặp nạn, Thiếu tá Cường đã bung dù và rơi trên biển. Lúc 5g sáng nay, tàu cá của ngư dân Phạm Văn Lệ (quê tỉnh Hà Tĩnh) tìm thấy và đưa phi công lên tàu.

Thiếu tá Cường được phát hiện trên biển trong tình trạng sức khỏe khá ổn. Hiện nay, một chiếc tàu cứu nạn đang ra khu vực biển để đón Thiếu tá Cường vào bờ.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (phải) là phi công cấp 3, phi đội phó Phi đội bay Su-30 thuộc Trung đoàn không quân 923, Sư đoàn 371 đóng tại Thanh Hoá.

Phi công Nguyễn Hữu Cường là một trong hai người trên chiếc tiêm kích Su-30MK2 8585 gặp nạn.

Phi công Nguyễn Hữu Cường

Sau khi tìm thấy và cứu sống thiếu tá phi công SU30 Nguyễn Hữu Cường, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang dồn toàn lực để tìm kiếm phi công phi công Trần Quang Khải (43 tuổi).

Như Tuổi Trẻ thông tin, khoảng 7g29 sáng 14-6, máy bay SU30-MK2 khi đang bay huấn luyện trên vùng biển đảo Mắt, Nghệ An - cách TP Vinh khoảng 40km thì bị mất liên lạc.

Chiếc SU 30-MK2 này xuất phát từ sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa lúc 6g30 sáng 14-6 để thực hiện bay huấn luyện.

Sau khi nhận được thông tin, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An đã chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển thông báo cho chính quyền địa phương, ngư dân hoạt động ở khu vực đảo Hòn Mắt và vùng biển xung quanh tìm kiếm.

Hải đội 2 - Bộ đội biên phòng Nghệ An điều ba tàu cùng 35 cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm ở khu vực trên.

8g: Đại tá Nguyễn Huy Trung - Tham mưu trưởng bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, xác nhận tàu cá đã thông tin phát hiện một phi công trên máy bay tiêm kích Su-30MK2 mất liên lạc là tàu của ông Phạm Văn Lệ - ở xã Thạch Bằng, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đại tá Trung, hiện lực lượng biên phòng vẫn chưa liên lạc cũng xác định địa điểm tàu cá của ông Lệ ở đâu.

Sau khi có thông tin chỉ đạo của Bộ tư lệnh biên phòng, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã triển hai chiếc tàu cứu hộ cứu nạn và tuần tra trên biển với 3.000 mã lực tìm cứu tàu cá của ông Lệ trên vùng biển Nghệ An và Hà Tĩnh.

Theo đại tá Trung, do chưa kết nối được với tàu cá ông Lệ nên hiện nay phía biên phòng cùng với người nhà sẽ đến những vùng biển tàu cá ông Lệ hay đánh bắt để đến tìm kiếm. Người nhà của ông Lệ xác định tàu cá này đang đánh bắt ở vùng biển Diễn Châu, Nghệ An.

"Hiện chúng tôi triển khai mọi lực lượng nhằm xác định sớm tàu cá của ông Lệ”, đại tá Trung cho hay.

9g: PV Tuổi Trẻ đã nối máy được với chủ tàu cá Pham Văn Lệ - tàu cá đã tìm thấy phi công Nguyễn Hữu Cường. Theo ông Lệ, khoảng 4g sáng nay khi đang đánh bắt cá (tàu của ông có 7 thuyền viên) thì ông phát hiện thuyền phao màu cam.

Sau khi cứu hộ người trên phao, ông đã xác định đó là phi công Nguyễn Hữu Cường.

Ông Lệ cũng kết nối điện thoại cho PV Tuổi Trẻ trao đổi với phi công Cường.

Anh Cường cho biết tại thời điểm gặp sự cố, anh và phi công Khải cùng bung dù nhảy ra ngoài. Anh Khải nhảy ra trước, Cường nhảy ra sau.

Sau khi rời máy bay rơi xuống biển, anh Cường đã trôi dạt trên biển từ sáng 14-6 đến 4g sáng nay 15-6 thì may mắn gặp thuyền cá của ông Lệ cứu.

9g30: Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về tình huống phải bung dù, phi công Nguyễn Hữu Cường cho biết vào thời điểm đó, anh có nghe tiếng nổ trong buồng lái. Dù là tiếng nổ nhỏ nhưng xác định đó là tình huống khẩn cấp, các phi công đã bấm nút bung dù nhảy khỏi máy bay.

11g: Thượng tá Phan Văn Xuân - chỉ huy trưởng Hải đội 2, Bộ đội biên phòng Nghệ An - cho biết ngay sau khi nhận được thông tin về việc cứu sống phi công Nguyễn Hữu Cường, tàu biên phòng có số hiệu BP-06-12-01 đã xuất phát từ cảng Hải đội 2 mang theo thuốc men, cán bộ quân y ra biển, tiếp cận tàu cá của ông Lệ.

“Đến khoảng 10g25, tàu cứu hộ đã tiếp cận được tàu cá cứu sống phi công Cường. Thiếu tá Cường đã được chuyển tiếp sang tàu biên phòng, sức khỏe khá ổn định. Tàu biên phòng đang di chuyển về bờ” - thượng tá Xuân nói.

Vùng biển phi công Cường được cứu sống thuộc tỉnh Thanh Hóa, cách đảo Mắt khoảng hơn 25 hải lý về hướng Đông Bắc.

Dự kiến khoảng 13g chiều 15-6, tàu cứu hộ của biên phòng sẽ cập cảng Hải đội 2.

11g45: Huy động 30 tàu cá của Thanh Hoá tìm phi công

Ngoài các lực lượng quân đội, cảnh sát biển, ngày 15-6 Sở chỉ huy Quân khu 4 đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức huy động 30 tàu cá ngư dân tham gia tìm kiếm máy bay Su 30 MK và phi công mất tích trên vùng biển từ TP Thanh Hoá theo hướng Đông ra biển 100 km và chạy dọc bờ biển vào giáp với phía Bắc đảo Hòn Mắt (từ 19 đến 20 độ vĩ Bắc).

Các lực lượng khác tiếp tục tổ chức tìm kiếm khu vực tọa độ 19 độ vĩ Bắc -106,04 độ kinh Đông và các vùng lân cận xung quanh vị trí xác định.

Đến thời điểm trưa 15-6, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã triển khai 45 người cùng 6 ôtô tham gia công tác hỗ trợ cho cuộc tìm kiếm này.

Xe cứu thương có mặt tại cầu cảng Hải đội 2, BĐBP Nghệ An chuẩn bị đón phi công Cường - Ảnh: Hồ Văn
12g25. Một xe cứu thương có mặt tại cầu cảng Hải đội 2, BĐBP Nghệ An chuẩn bị đón phi công Nguyễn Hữu Cường.

Sẵn sàng chờ đón phi công Nguyễn Hữu Cường - Ảnh: Doãn Hòa
13g: có mặt trên cầu cảng đón phi công Cường là đại diện đơn vị không quân, bộ đội biên phòng, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An. An ninh được thắt chặt tại cầu cảng Hải đội 2. Tàu biên phòng chở phi công Nguyễn Hữu Cường đang chuẩn bị cập cảng

Tàu mang số hiệu BP-34-98-01 đang vào bờ - Ảnh: Doãn Hòa

Sau khi nghe Tuổi Trẻ thông tin phi công Nguyễn Hữu Cường đã được cứu sống, ông Nguyễn Hữu Ngọ - 72 tuổi, cha anh Cường đã bày tỏ niềm vui mừng khôn xiết.

"Đây là niềm hạnh phúc lớn cho gia đình tôi. Từ lúc nhận được thông tin không hay về con vợ tôi cứ kêu khóc. Tôi phải báo tin luôn để mọi người trong gia đình cùng biết…” - ông Ngọ mừng rỡ.

Trước đó, xóm nhỏ Minh Khai, xã Nghĩa Hồ, H.Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang đang bước vào vụ mùa thu hoạch vải thiều nhưng hầu hết tất cả người làng đã phải dừng lại để ngóng tin sau khi nghe tin phi công Nguyễn Hữu Cường và Trần Quang Khải cùng máy bay Su30 MK2 mất liên lạc.

Ông Nguyễn Hữu Ngọ - cha anh Cường, ngồi giữa - lúc nào cũng cầm điện thoại để chờ thông tin từ con trai - Ảnh: Quang Thế
Cũng trong sáng nay, Thượng tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng tham mưu trưởng đã chủ trì họp và chỉ đạo tập trung tìm kiếm phi công Khải. Duy trì 1 máy bay luôn trực bay tìm kiếm, khi có lệnh mới dừng.

Việc tìm kiếm tiếp tục được mở rộng ra hai bên toạ độ 19,4 độ vĩ Bắc- 106,28 độ kinh Đông. Đây là toạ độ mà tàu cá HT 20219TS phát hiện và cứu được phi công Cường sáng nay.

* Tiếp tục cập nhật...

Máy bay Su-30MK2 của không quân Việt Nam - Ảnh: Thuận Thắng

Máy bay tiêm kích đa năng siêu âm Su-30MK2 là một trong những loại chiến đấu cơ cất cánh nhanh nhất, có thể tác chiến mà không cần dẫn dắt của mặt đất.

Su-30MK2 có những kỹ thuật bay mà nhiều máy bay chiến đấu khác không thực hiện được, tính năng cơ động tốt, hệ thống vũ khí tối tân rất thông minh; khả năng làm chủ trên không lớn và rất dài.

Chiến đấu cơ này có thể tác chiến độc lập hoặc theo biên đội trong nhiều kiểu thời tiết, địa hình, ở cả trên không, trên đất, trên biển.

Nó có khả năng thực thi nhiệm vụ tiêm kích (không chiến) trong đêm tối, sử dụng các loại vũ khí tác chiến tầm trung, tầm xa và tiếp nhiên liệu ngay trên không (khi được tiếp nhiên liệu trên không, Su-30MK2 sẽ tăng tầm hoạt động từ 3.000km lên tới 8.000 km).

Dưới thân và cánh Su-30MK2 được trang bị tên lửa tinh khôn (tên lửa truyền hình), tên lửa không đối hạm, không đối đất...

Ở chế độ “không đối không”, chiến đấu cơ này có thể thực hiện 9 nhiệm vụ và 10 nhiệm vụ ở chế độ “không đối đất”.

Đặc biệt, hệ thống radar của Su-30MK2 có khả năng phát hiện 15 mục tiêu cùng một lúc, có thể đồng thời theo dõi 10 mục tiêu và sử dụng vũ khí tấn công 4 mục tiêu trên không hoặc 2 mục tiêu mặt đất.

Doãn Hòa - Văn Định - H.Văn - T.Phùng - Quang Thế/tuoitre online

Chia sẻ bài viết