Tiếng Việt | English

07/07/2021 - 14:35

Phía sau “tường thành” chống dịch (Kỳ 1)

Long An đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Các bác sĩ, quân nhân được xem như “tiền tuyến”, thầm lặng hy sinh vì sự bình yên của mọi người. Đáp lại tình cảm đó, “hậu phương” cũng rất đồng lòng động viên, ủng hộ bằng nhiều cách, cùng nhau vượt mọi khó khăn.

Bài 1: Tựa vào dân

“Tình quân - dân như cá với nước”, điều này hầu như ai cũng biết và chính trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, khi cả nước đang căng mình chống dịch thì sự đoàn kết, yêu thương đó càng được thể hiện rõ ràng nhất, chân thật nhất.

Chốt Biên phòng kênh G3 Mỹ Thạnh Tây được xây trên phần đất người dân cho mượn

Chốt Biên phòng kênh G3 Mỹ Thạnh Tây được xây trên phần đất người dân cho mượn

Điểm tựa vững vàng miền phên giậu

Chúng tôi đến thăm Đồn Biên phòng (ĐBP) Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ) vào cuối tháng 5-2021. Các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong Đồn đang “căng mình” kiểm soát đường biên, làm tốt công tác phòng dịch, ngăn các đối tượng qua, lại biên giới trái phép. Đưa chúng tôi đến thăm các chốt phòng dịch dọc đường biên, Thiếu tá Bùi Ngọc Thiệp - Chính trị viên ĐBP Mỹ Thạnh Tây, cho biết, đa số các chốt được xây dựng trên đất do người dân địa phương cho mượn. Bà Út Thủy (xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) kể: “Nhà tôi có mảnh đất nhỏ ở dọc đường biên nên cho bộ đội mượn để xây chốt. Khi nào xong việc, các chú không cần dựng chốt nữa thì thôi”.

Chốt Biên phòng ngã ba Mỹ Thạnh Tây vừa được xây lại kiên cố trên phần đất của gia đình bà Út Thủy. Chốt có điện, nước sinh hoạt phục vụ CBCS. Binh nhất Nguyễn Chí Bảo đang trực tại chốt ngã ba Mỹ Thạnh Tây cho biết: “Trước đây, khi chưa có chốt kiên cố, chưa có điện, nước sinh hoạt, chúng tôi phải nhờ nhà dân. Giờ thì thuận tiện hơn nhiều. Điện, nước cũng do người dân nơi đây cho kéo nhờ”. Chốt biên phòng nằm biệt lập ở nơi ít có nhà dân nhưng thỉnh thoảng người dân đi ngang đều ghé lại tặng bộ đội ít cây trái, con gà, con vịt,...

Chúng tôi tiếp tục đến Chốt kênh G3 cũng thuộc ĐBP Mỹ Thạnh Tây. Trước chốt là vườn hoa, bên cạnh là vườn rau xanh. Chốt này cũng được xây dựng trên phần đất của người dân cho mượn, kinh phí xã hội hóa hoàn toàn. Thượng úy Trương Công Lương - Đội trưởng đội Trinh sát ĐBP Mỹ Thạnh Tây, cho biết, Chốt kênh G3 đang xây dựng trên phần đất của vợ chồng cô chú Bảy Ngân. Cô chú cho Đồn mượn đất cất chốt đã lâu và thỉnh thoảng ghé thăm anh em. Chính những điều nhỏ đó đã động viên tinh thần CBCS rất nhiều.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã kéo dài hơn 1 năm. CBCS bộ đội biên phòng luôn vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ bình yên nội biên. Trong hành trình đó luôn có sự ủng hộ nhiệt tình của người dân vùng biên giới, như một điểm tựa tinh thần vững vàng cho bộ đội.

Gia đình ông Phùng Tấn Tường luôn động viên Trung sĩ Phùng Minh Phục

Gia đình ông Phùng Tấn Tường luôn động viên Trung sĩ Phùng Minh Phục

Vì bình yên cho quê nhà

Gần 1 tháng kể từ ngày mẹ mất, Trung sĩ Phùng Minh Phục (Trung đoàn 738, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) mới có thể về thắp hương cho mẹ. Thấy cháu trai vừa về đến cửa, bà Võ Thị Hoa (bà nội Trung sĩ Phục) nghẹn ngào. Thương cháu nội không được về chịu tang ngày mẹ mất, bà ôm cháu khóc. Anh Phục đang trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự, phục vụ tại khu cách ly tập trung nên khi mẹ mất, anh không được về ngay mà phải hoàn thành cách ly đúng quy định an toàn phòng dịch. Ngày mẹ mất, anh chỉ có thể tỏ lòng hiếu kính qua bàn thờ vọng được lập tại khu cách ly.

Ông Phùng Tấn Tường (cha của anh Phục) cho biết, vợ chồng ông có 2 người con, Phục là con trai lớn. Biết con buồn vì không thể về chịu tang mẹ, sau khi gia đình lo xong hậu sự, ông Tường thường xuyên tìm cách liên lạc để động viên con. Với ông, việc thanh niên trẻ thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc là điều nên làm, phải làm và nhất định cần làm tốt. Dẫu xót lòng với việc con trai không thể về tiễn đưa mẹ lần cuối nhưng trong lúc “chống dịch như chống giặc”, gia đình ông Tường luôn động viên con.

“Cuộc chiến” chống Covid-19 lần này thực sự cam go, cần có sự đoàn kết, đồng lòng của tất cả mọi người. Mọi vất vả, hy sinh và mất mát trong hành trình này đều được sẻ chia. Và chính sự chia sẻ đó giúp những lực lượng tuyến đầu chống dịch có thêm niềm tin để “tiến lên” và “hậu phương” phía sau luôn mạnh mẽ, vững vàng vì tiền tuyến./.

"Qua câu chuyện của Trung sĩ Phùng Minh Phục, ai cũng xót lòng trước sự hy sinh của những người phục vụ ở khu cách ly. Chính sự yêu quý, tình cảm đó giúp người dân đồng lòng, ủng hộ, là “hậu phương” vững vàng cho lực lượng làm nhiệm vụ”.

Trung tá Đậu Bá Hà - Chính ủy Trung đoàn 738, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)

 

(còn tiếp)

Bài 2: "Đôi vai nhỏ" gánh việc cộng đồng

Quế Lâm

 

Chia sẻ bài viết