Tiếng Việt | English

11/03/2022 - 11:00

Phim Việt chưa kịp vui đã buồn

Số ca mắc Covid-19 lại tăng cao khiến lượng khán giả đến các hệ thống rạp chiếu phim Việt sụt giảm đáng kể

Những phim Việt tồn đọng suốt mấy đợt giãn cách xã hội đang được lên lịch lần lượt công chiếu phục vụ khán giả. Tuy nhiên, không khí rộn rã cùng kỳ vọng vào sự phục hồi của rạp Việt lại bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh bùng phát.

Không có phim mới

Hệ thống rạp chiếu phim tại TP.Hà Nội được phép mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 10/02, là cột mốc mở đầu cho quá trình "trở lại" của thị trường rạp Việt trong năm 2022. Ở giai đoạn đầu khi rạp phim tại Hà Nội được phép mở cửa trở lại, do bị "cuồng chân" lâu ngày nên khán giả cảm thấy hào hứng. Nhờ đó, lượng khán giả trong khoảng thời gian này rất đáng ghi nhận, họ phải xếp hàng để mua vé thưởng thức phim.

Rạp phim của hệ thống CGV sụt giảm khán giả đáng kể (Ảnh do CGV cung cấp)

Nhà sản xuất phim cũng phấn khởi khi doanh thu của các phim Việt như "Chuyện ma gần nhà", "Bẫy ngọt ngào" rất khả quan. Trong đó, phim "Bẫy ngọt ngào" còn cán mốc 1 triệu vé bán ra, thu về 75 tỉ đồng sau 3 tuần khởi chiếu, trở thành phim Việt doanh thu cao nhất tính từ đầu năm 2022 đến nay.

Tuy nhiên, thông tin các ca mắc Covid-19 ngày càng tăng cao ở nhiều tỉnh, thành phố lại một lần nữa gây khó khăn cho hành trình phục hồi của phim chiếu rạp Việt. Nỗi lo dần thay thế cho niềm vui mới chớm.

"Số lượng khán giả đến hệ thống rạp thưởng thức phim giảm nhiều (khoảng 50%-60%) trong thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh, số ca nhiễm tăng cao trở lại. Một phần khác tôi nghĩ do rạp không có nhiều phim mới, hiện chỉ có bom tấn "The Batman" và phim Việt "Người lắng nghe: Lời thì thầm", còn lại là những phim đã ra rạp từ trước. Chỉ mong dịch bệnh không đến mức "leo thang" khiến rạp phim rơi vào cảnh tạm dừng hoạt động như vừa qua" - ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Marketing cụm rạp chiếu phim BHD Star Cineplex, cho biết.

Đại diện truyền thông của hệ thống rạp Lotte Cinema cũng đồng tình với nhận xét của ông Lê Hoàng Minh, cho rằng lượng khán giả đến rạp sụt giảm đồng loạt, một phần do dịch bệnh tăng trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố nhưng còn một lý do là do có quá ít phim mới, nhất là phim Việt.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CJ CGV Việt Nam, khi dịch bệnh vẫn còn thì kinh doanh ngành nào cũng có nguy cơ như nhau, tình hình khách quan chung phải chấp nhận. Thêm vào đó, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, đã tác động đến việc chi tiêu cho nhu cầu giải trí của khán giả.

Cần chính sách ưu đãi

Trước tình hình khó khăn khách quan, các hệ thống rạp đều mong mỏi được sự hỗ trợ, cảm thông từ phía cho thuê mặt bằng. Từ sau khi kết thúc giãn cách xã hội, các rạp được phép hoạt động trở lại thì chính sách hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng đã không còn được duy trì. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn tác động đến hoạt động kinh doanh chung.

"Trong giai đoạn hiện nay, tôi vẫn mong hệ thống rạp tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía chủ sở hữu cho thuê mặt bằng. Hiện giờ tôi chỉ biết chờ dịch bệnh được kiểm soát, không phải rơi vào cảnh tạm đóng cửa như đợt giãn cách xã hội trước đó" - ông Lê Hoàng Minh tâm tư.

Đại diện truyền thông của hệ thống rạp Lotte Cinema cho hay chi phí thuê mặt bằng nếu áp dụng như trong điều kiện bình thường thì rất khó cho hệ thống rạp, bởi tình hình dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến thị trường, tác động đến kinh doanh chung. Đặc biệt, một số rạp không có nhiều khán giả nhưng vẫn phải duy trì hoạt động nên chi phí nhân viên, điện, nước và nhiều chi phí khác trở thành gánh nặng.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH BHD, cho biết hiện tại, giá điện và giá nước của rạp chiếu phim vẫn đang được tính như ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, kinh doanh văn hóa khó hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Tiền điện là rất cao cho rạp chiếu phim, đôi lúc phòng chiếu chỉ bán được 3 vé nhưng vẫn phải mở điều hòa, chạy máy. "Vì thế, cần sớm có những chính sách ưu đãi về giá điện, giá nước, thuê đất cho phim trường, rạp chiếu phim,... cho những đơn vị kinh doanh về văn hóa" - bà Bích Hạnh đề xuất./.

Trong giai đoạn dịch bệnh tăng nhanh, khâu quay phim của các đoàn cũng gặp phải tình trạng nhiều người mắc bệnh, ở nhà cách ly. Để ứng phó, các đoàn đều cố gắng linh hoạt lịch quay. Họ chuyển những cảnh của diễn viên F0 xuống để quay sau và đưa các cảnh khác lên thực hiện trước. Sự xáo trộn là có nhưng tất cả đều hiểu rõ tình huống khách quan nên luôn cảm thông và hợp tác để hoàn tất lịch trình.

Theo Người Lao Động

Chia sẻ bài viết


Website Gamikey bán tài khoản xem phim