Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trong cuộc cách mạng 4.0, chúng ta cần kết nối chặt chẽ hơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) diễn ra ngày 06/9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là lúc phải hành động, phải dấn thân, mạnh dạn hơn nữa thì mới mong thành công trong cuộc cách mạng 4.0.
Theo Phó Thủ tướng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, phát huy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, đào tạo nhân lực công nghệ. Bên cạnh đó, phải làm sao để mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong quản trị, phát triển…
Phó Thủ tướng thông tin về những tín hiệu mới của Việt Nam, cụ thể là chỉ sổ đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 12 bậc, lần đầu được xếp thứ 47 trên thế giới. Cùng đó, chỉ số về Chính phủ điện tử cũng đã tăng 10 bậc (nhưng vẫn đứng thứ 89).
Thế nhưng, một chỉ số khác làm ông hết sức lo ngại, đó là việc Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về vấn nạn spam; là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới bị mã độc nằm sẵn trong các máy tính của cả doanh nghiệp và cá nhân.
"Tôi nói tới ba chỉ số trên để thấy, chúng ta ngồi đây [cộng đồng công nghệ thông tin-pv] trách nhiệm là rất lớn lao," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các gian hàng giới thiệu công nghệ mới thu hút đông đảo sự quan tâm của các đại biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, trong cuộc cách mạng này chúng ta phải kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp và phải cởi mở, chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Chia sẻ về những việc cần làm, Phó Thủ tướng cho rằng cần tập trung vào những việc "tưởng mới nhưng không mới," đó là việc phải xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin thật mạnh.
Hiện, Việt Nam đã có 3G, 4G, cáp quang đến từng thôn bản và cần phải tiếp tục làm mạnh. Với 4G, các bộ, doanh nghiệp cần có cơ chế, chính sách thiết thực thúc đẩy về băng thông, giá cước… để đưa cáp quang về mọi ngõ ngách.
Cũng theo ông Đam, điều quan trọng của hạ tầng không chỉ ở phần cứng. Chúng ta phải làm một cách chuyên nghiệp từ kiến trúc chung cho đến trung tâm dữ liệu, và phải tiến tới để có dữ liệu mở… và phải chia sẻ, kết nối dữ liệu. Chỉ khi đó, mọi ứng dụng mới được thuận lợi, mới có “mỏ” cho mọi doanh nghiệp công nghệ, start-up có vùng đất để làm ra sản phẩm mới, đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Về phần mềm, theo Phó Thủ tướng, cần đi vào tính chuyên nghiệp, vào những cái mới. Đặc biệt cần lưu ý về an ninh mạng bởi đây không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp. Nếu chúng ta đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mà không chú ý từ đầu từ nhân lực, kỹ thuật, cơ chế về an toàn mạng thì tới lúc chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều so với những gì thu lại được.
Trong khi đó, về nhân lực công nghệ, Phó Thủ tướng bày tỏ bản vui mừng nhưng cũng rất lo lắng. Các đơn vị như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông… đã hình thành chính sách đổi mới về đào tạo nhân lực nhưng rất cần sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ.
Trải nghiệm giải trí thực tế ảo của VNG. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong khi đó, tại phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định quyết tâm trong việc thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, bộ này sẽ xây dựng và đề xuất các chính sách để đảm bảo phát triển hạ tầng số; đảo bảo an toàn hệ thống thông tin quốc gia; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn trong lĩnh vực công nghệ thông tin; cơ chế ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp…/.
Với chủ đề “Việt Nam - Chuyển đổi số trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư,” Vietnam ICT Summit do VINASA tổ chức với sự tham dự của 650 đại biểu trong nước và quốc tế. Trong một ngày làm việc, diễn đàn thảo luận theo 4 tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để Việt Nam tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Nhận thức về Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Thế mạnh kinh tế số Việt Nam – Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh; Thành phố thông minh/Smart City; Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng mang tới các giải pháp mới mang tính đột phá, như FPT với các giải pháp giao thông thông minh, Chính phủ số, hệ thống bảo mật Cyrada; VNG với giải trí thực tế ảo D.T VR, ứng dụng phục vụ dự án phát triển thành phố thông minh (hệ thống chiếu sáng, cửa từ thông minh), thiết bị bán nước uống tự động tích hợp ứng dụng thanh toán ZaloPay (mua nước uống qua thanh toán bằng QR Code)… |
Theo TTXVN