Tiếng Việt | English

28/12/2020 - 14:07

Phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc (GS) đã xuất hiện trở lại. Điều này làm cho cơ quan chuyên môn cũng như người chăn nuôi hết sức lo ngại. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, dịch bệnh dễ lây lan diện rộng, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.

Người dân cần chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc

Người dân cần chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc

Dịch bệnh tái xuất hiện

Tổng đàn GS của tỉnh hiện khoảng 229.000 con, trong đó khoảng 124.500 con trâu, bò và khoảng 104.500 con heo. Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, thời tiết đang giao mùa, ảnh hưởng không tốt đến đàn vật nuôi và cũng là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển. Gần đây, ngoài dịch cúm trên gia cầm và dịch tả heo châu Phi, bệnh LMLM trên bò cũng đã xuất hiện trở lại. Từ giữa tháng 10/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 ổ dịch LMLM trên bò tại 2 huyện Tân Trụ và Cần Đước. Trong đó, có 2 ổ dịch tại xã Đức Tân và xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ; 1 ổ dịch xảy ra tại xã Long Cang, huyện Cần Đước; tổng số cá thể có biểu hiện bệnh LMLM là 11 con, ngành chức năng đã tiêu hủy 3/11 con. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh LMLM trên trâu, bò xảy ra tại 9 hộ thuộc 4 xã ở 3 huyện: Đức Huệ, Tân Trụ, Cần Đước, số con nghi nhiễm bệnh là 44 con và số con tiêu hủy là 6 con.

Trước tình hình dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp với các địa phương để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên động vật. Qua đó, thống nhất nội dung, triển khai các biện pháp khẩn cấp trong công tác khống chế dịch bệnh, nhất là ở các huyện đã xảy ra dịch như Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Thủ Thừa, Bến Lức và Tân Hưng.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân, thực hiện theo chỉ đạo của ngành chức năng tỉnh, huyện đã triển khai tiêm phòng vắc-xin cho toàn bộ đàn GS trong diện tiêm phòng và vệ sinh tiêu độc cho đàn GS với tần suất 2 lần/tuần trong 3 tuần liên tục tại xã có dịch. Còn những xã vùng uy hiếp có nguy cơ lây bệnh thì triển khai tiêm phòng cho toàn bộ GS trong diện tiêm phòng và vệ sinh tiêu độc cho toàn bộ đàn GS với tuần suất 1 lần/tuần trong 3 tuần liên tục.

“Song song đó, ngành chức năng tỉnh tiếp tục theo dõi và điều trị cho những GS bệnh. Trường hợp GS chết bất thường, ngành chức năng sẽ tiêu hủy theo quy định. Ngoài ra, ngành chức năng cũng tăng cường công tác giám sát dịch bệnh; quản lý chặt chẽ việc vận chuyển GS, kiểm soát giết mổ để kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh nhanh, gọn trên phạm vi hẹp” - bà Vân cho biết thêm.

Cùng với ngành chức năng, các hộ chăn nuôi trong tỉnh cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi. Anh Lê Văn Thạch, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Qua các phương tiện truyền thông, tôi biết được diễn biến của tình hình dịch bệnh LMLM xảy ra trên địa bàn tỉnh, trong đó Châu Thành là một trong những huyện bị uy hiếp lớn bởi dịch bệnh. Do đó, tôi chủ động thực hiện tốt việc vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, tiêm phòng vắc-xin để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn heo. Ngoài ra, tôi còn hạn chế người lạ ra, vào khu chăn nuôi”.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề nên các hoạt động giết mổ, vận chuyển GS, gia cầm và sản phẩm GS, gia cầm tăng mạnh. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chỉ có một số trang trại chăn nuôi heo với quy mô lớn thì mới tiêm phòng vắc-xin LMLM, còn đa số các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ thì không tiêm. Lý do của các hộ chăn nuôi là khi đàn heo đạt 1 tháng tuổi mới tiêm mũi thứ nhất, sau 21-28 ngày mới tiêm nhắc lại mũi thứ hai thì vắc-xin LMLM mới có tác dụng. Trong khi thời gian nuôi heo thịt ngắn nên các hộ chăn nuôi không tiêm vắc-xin LMLM. Vì vậy, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi là rất cao.

Theo Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, Sở chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp các địa phương tích cực tuyên truyền đến người dân, nhất là người chăn nuôi, người làm nghề giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật về nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh LMLM; quản lý, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, cơ sở buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật ký cam kết không buôn bán động vật không rõ nguồn gốc, nhập lậu, ốm, chết; thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông sản phẩm; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế người lạ ra, vào trang trại, gia trại; thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu chăn nuôi; vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng bổ sung đầy đủ, đúng quy trình các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi.

“Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phân công cán bộ xuống cơ sở đôn đốc, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện công tác phòng, chống dịch và nắm bắt, xác minh kịp thời tình hình dịch nhằm ngăn chặn, không để dịch LMLM lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, các địa phương phải vào cuộc tích cực, đặc biệt là huy động lực lượng thú y cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi, kiểm tra nắm chắc tình hình chăn nuôi và dịch bệnh; vận động các đoàn thể, người dân tham gia giám sát dịch bệnh, các cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, không giấu dịch; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch xảy ra, khẩn trương dập dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng” - bà Khanh thông tin thêm./.

Tuệ Minh

Chia sẻ bài viết