Lực lượng chức năng phối hợp tuần tra phòng, chống tội phạm
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tình hình KT-XH tại địa bàn nông thôn của tỉnh có sự chuyển biến tích cực và đạt những thành tựu quan trọng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM của tỉnh, nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu, điển hình được biểu dương, khen thưởng. ANTT ở địa bàn nông thôn được giữ vững. Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ để phòng ngừa và đấu tranh, kiềm chế, kéo giảm sự gia tăng của tội phạm, giải quyết những vấn đề phức tạp, "điểm nóng về trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn".
Bên cạnh kết quả đã đạt, tại các vùng nông thôn, kể cả những xã đã về đích NTM, vẫn còn những hành vi ứng xử thiếu văn hóa hoặc tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ANTT, phát sinh các hành vi phạm tội. Trong giao tiếp hàng ngày, nhiều người còn buông những lời thô lỗ, nói tục, gây khó chịu cho người nghe, ảnh hưởng đến trẻ em. Hay tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng, gây ô nhiễm nguồn nước vẫn còn xảy ra; tình trạng hát nhạc sống ầm ĩ, không đúng giờ quy định làm ảnh hưởng đến cộng đồng.
Lối sống vô cảm, nhỏ nhen, ích kỷ, ganh ghét, đố kị giữa hàng xóm, láng giềng, người thân với nhau cũng dẫn đến những hậu quả đau lòng xảy ra ở nông thôn. Thời gian gần đây, tại các địa bàn nông thôn hay xã NTM vẫn phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến tệ nạn xã hội (TNXH), ma túy, cờ bạc, trộm cắp, lừa đảo, cướp, cố ý gây thương tích, giết người, hiếp dâm,... Đơn cử, tháng 8/2022, tại xã NTM Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, xảy ra vụ việc sử dụng súng tự chế bắn chết 1 người, bị thương 2 người. Đa số những vụ việc gây mất ANTT tại địa bàn nông thôn, xã NTM do các đối tượng vãng lai từ nơi khác đến gây ra. Tuy nhiên, đó cũng là những thách thức, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống người dân ở vùng nông thôn, xã NTM. Qua đó, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, giải quyết.
Là cư dân sinh sống tại xã NTM Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, người dân chính là chủ thể của chương trình XDNTM. Ngoài phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tạo bộ mặt mới cho làng quê thì những nét đẹp, giá trị về đạo đức, văn hóa phải luôn được giữ gìn, phát huy, lan tỏa. NTM phải gắn với những hành động, việc làm, ứng xử có đạo đức, văn hóa của người dân; trong mối quan hệ cộng đồng phải bớt tranh chấp, thêm nghĩa tình. Những lối sống vô phép, coi thường pháp luật phải được lên án, đẩy lùi, ngăn chặn.
Nắm chắc địa bàn, chủ động phòng ngừa
Theo Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Đinh Văn Sáu, trong công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn nông thôn, các cấp, các ngành ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức. Thông qua tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia phòng, chống tội phạm (PCTP), TNXH.
Trong công tác gìn giữ trật tự, an toàn xã hội, PCTP, TNXH, lực lượng công an luôn thể hiện rõ vai trò nòng cốt. Công an đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp PCTP. Ngoài tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, bắt giữ các loại tội phạm, triệt xóa các tụ điểm tệ nạn, lực lượng công an còn chú trọng thực hiện công tác phòng ngừa. Thượng tá Trịnh Anh Kiệt - Phó Trưởng Công an huyện Đức Huệ, cho biết: “Để giữ vững tình hình ANTT ở cơ sở, lực lượng công an chủ động nắm tình hình, địa bàn và tích cực giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ”.
Trộm cắp tài sản vẫn xảy ra nhiều ở địa bàn nông thôn (Ảnh minh họa)
Theo Đại tá Thái Hữu Đức - Trưởng Công an huyện Cần Đước, qua thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tại các vùng nông thôn trong tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình giữ gìn ANTT, PCTP và phát huy hiệu quả, thu hút được sự tham gia của người dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện duy trì, thực hiện 18 mô hình PCTP. Thông tin từ Công an tỉnh, hiện tại, trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực các xã nông thôn, NTM nói riêng đã triển khai xây dựng được nhiều mô hình PCTP, mang lại hiệu quả. Nổi bật như các mô hình: Camera giám sát an ninh, trật tự, Cổng rào PCTP, Móc khóa tiếp nhận thông tin ANTT, Đội dân phòng xung kích PCTP,...
Thông qua các mô hình, cán bộ, hội viên các đoàn thể và người dân cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin báo liên quan đến ANTT, giúp lực lượng công an bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội, triệt xóa nhiều tụ điểm TNXH. Đồng thời, người dân còn tham gia vây bắt nhiều đối tượng phạm tội hình sự, vận động nhiều đối tượng có lệnh truy nã, gây án ra đầu thú; tích cực tham gia cảm hóa, giúp đỡ đối tượng vi phạm pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng. Cũng từ các nguồn tin đã giúp công an giải quyết kịp thời nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, giúp chính quyền ngăn chặn, giải quyết kịp thời, không để xảy ra điểm nóng phức tạp về ANTT ở địa phương.
"Thông qua các mô hình đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân trong PCTP, TNXH. Ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ được nâng cao" - Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh./.
Vũ Quang