Thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thông tin, truyền thông được tỉnh quan tâm thực hiện (Ảnh minh họa)
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên đa lĩnh vực: Báo chí, xuất bản, in, phát hành; phát thanh, truyền hình; thông tin điện tử; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn thông tin; giao dịch điện tử và mới nhất là chuyển đổi số.
Qua đó cho thấy, lĩnh vực TTTT đã hòa cùng sự phát triển trong mọi lĩnh vực. Công nghệ thông tin và truyền thông, chuyển đổi số giúp mở rộng không gian, không bị giới hạn thời gian; phục vụ tốt sự lãnh đạo, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, cải cách hành chính, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại những lợi ích to lớn cho phát triển KT-XH của cả nước. Đồng thời, làm thay đổi nhận thức, hành vi và lối sống của người dân. Luật An ninh mạng năm 2018 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019 là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng; chỉ dẫn mỗi tổ chức, cá nhân nhận thức rõ trách nhiệm khi sử dụng Internet và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trên không gian mạng.
Dù vậy, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Hồ Văn Dân, lợi dụng các đặc tính không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, truyền nhanh lan rộng, ẩn danh, mạo danh nên các thế lực thù địch, thành phần chống đối lợi dụng không gian mạng gia tăng tuyên truyền xuyên tạc tình hình chính trị, phá hoại tư tưởng, phá hoại đoàn kết nội bộ, chống Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình. Có những đối tượng lợi dụng không gian mạng để tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đưa tin sai, tin giả, thông tin xấu, độc trên môi trường mạng. Đơn cử như trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, tại địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý sai phạm nhiều trường hợp đưa tin sai sự thật, bịa đặt về dịch bệnh trên mạng xã hội làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, tình trạng quảng cáo, rao bán bất động sản chưa đủ điều kiện trên không gian mạng cũng có lúc rất phức tạp. Nguy cơ tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương cũng tiềm ẩn.
Thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực TTTT tại địa bàn tỉnh luôn được tập trung lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Qua đó, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng cao theo các năm. Năm 2022, các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tăng cường thực hiện thông tin, tuyên truyền nội dung liên quan đến phòng, chống tội phạm. Như Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An tăng cường thực hiện các chương trình, chuyên mục về pháp luật, quốc phòng - an ninh với nội dung đa dạng. Trong khi đó, các trung tâm văn hóa, thông tin và truyền thanh cấp huyện đăng phát gần 7.000 lượt tin, bài tuyên truyền liên quan đến phòng, chống tội phạm.
Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống tội phạm
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các chi nhánh doanh nghiệp viễn thông nhắn tin đến thuê bao di động, truyền thông đến khách hàng về phương thức, thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường sử dụng. Ông Nguyễn Văn Tiến (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) cho biết: “Thông qua các giải pháp của cơ quan chức năng, kênh thông tin chính thống đã kịp thời hướng dẫn người dân cách nhận biết các hiện tượng, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội để tránh bị mắc bẫy, bị lừa gạt. Cũng từ đó, người dân nêu cao ý thức phòng, chống tội phạm”.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông rà quét, tập hợp, lọc danh sách các trang, diễn đàn trên mạng xã hội có nhiều người quan tâm, theo dõi và tham gia gửi cho từng huyện, thị xã, thành phố để chủ động quản lý, theo dõi, kịp thời xử lý nếu có vi phạm. Sở tập trung theo dõi, rà soát thông tin báo chí, trên mạng liên quan đến tỉnh. Khi phát hiện các thông tin, bài viết, video clip trên mạng xã hội có dấu hiệu tin giả, tin sai sự thật thì xác định địa bàn xảy ra vụ việc và tiến hành chuyển nhanh thông tin đến các đơn vị có thẩm quyền rà soát, xác minh.
Trường hợp xác định vụ việc phức tạp thì chuyển Đội liên ngành kiểm tra về TTTT tỉnh (nòng cốt là Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh) phối hợp xác minh và xử lý. Việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo Nghị định số 14/2022/NĐ-CP, ngày 27/01/2022 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Trong năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham gia tích cực vào công tác xử lý tội phạm. Cụ thể, trích xuất dữ liệu điện tử trên Internet và thiết bị công nghệ thông tin 16 vụ; giám định tư pháp 15 vụ. Qua đó, ban hành 10 công văn trả lời, hướng dẫn cho cơ quan, đơn vị liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực TTTT trên môi trường mạng.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTTT, góp phần phòng ngừa tội phạm, bảo đảm ANTT, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm; nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm; hậu quả do tội phạm gây ra.
Sở phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phản bác thông tin có nội dung chống phá, xuyên tạc; tuyên truyền, hướng dẫn người dân phản ánh cuộc gọi rác, tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua tổng đài miễn phí 156 hoặc nhắn tin đến số 5656; tuyên truyền nâng cao khả năng nhận biết, đề cao cảnh giác của người dân đối với các cuộc gọi, thông tin vi phạm pháp luật và cung cấp kịp thời cho các cơ quan chức năng xử lý.
“Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức rà soát, theo dõi, cung cấp kịp thời thông tin vi phạm trên môi trường mạng cho các cơ quan, đơn vị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền. Sở cũng phối hợp tốt cơ quan công an tăng cường điều tra, xử lý các đối tượng giả mạo các cơ quan chức năng nhằm hạn chế, răn đe các đối tượng phạm tội” - ông Hồ Văn Dân cho biết thêm./.
Lam Hồng