Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh khi rã đông chỉ nên để khoảng 2 tiếng ở nhiệt độ thường, tránh nhiễm khuẩn - Ảnh minh họa
Là nội trợ trong gia đình, cận Tết chị T.D. (45 tuổi, TP.HCM) luôn bận rộn trong việc mua sắm, nhất là tìm kiếm thực phẩm tươi, sống để tích trữ dùng dần.
Chị D. chọn thực phẩm chủ yếu như thịt heo tươi, thịt bò tươi, chả cá, thịt gà… để ngăn đông, còn các loại thực phẩm khác như rau, củ, quả, chị sẽ để trong ngăn mát tủ lạnh.
“Những ngày Tết mình có thói quen trữ nhiều thực phẩm tươi sống trong tủ lạnh để có khách cho tiện. Hơn nữa Tết nhiều hàng, quán đóng cửa khó mua được thực phẩm. Những năm trước thực phẩm trữ ăn không hết còn để đến vài tháng” chị D. cho hay.
Bác sĩ Phạm Ánh Ngân - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 - cho biết thực phẩm đông lạnh không diệt trừ được vi khuẩn, chỉ giúp ngăn ngừa chúng phát triển.
Có nhiều cách để rã đông thực phẩm, cách thường được sử dụng nhất là rã đông ở ngăn mát tủ lạnh, khi nhiệt độ dưới 5 độ C. Nên để thức ăn ở ngăn thấp nhất, tránh nước rơi rỉ lên các thực phẩm khác.
Trong trường hợp cần rã đông gấp, lò vi sóng là lựa chọn hữu ích để có thể nấu ngay sau khi rã đông.
Tuy nhiên cần lưu ý, trước khi đưa vào lò, cần phải tháo các đóng gói bao bì không an toàn khi dùng trong lò vi sóng như: khay bằng nhựa polystyrene, nhựa bọc thực phẩm hay hộp giấy.
Bác sĩ Ngân cho biết thêm một trong những cách rã đông khác cũng khá phổ biến là sử dụng nước lạnh, tuy nhiên dễ khiến thực phẩm ở trong khoảng nhiệt độ nguy hiểm từ 8 đến 63 độ C (đây là nhiệt độ có lợi cho vi khuẩn phát triển).
Khi dùng cách này, cần sử dụng thau, bồn rửa sạch và để toàn bộ khối thực phẩm ngập trong nước. Thực phẩm cần được bọc trong bao bì không thấm nước, không rò rỉ để tránh nhiễm khuẩn.
Đặc biệt chú ý quá trình rã đông chỉ nên khoảng trong 2 tiếng hoặc ít hơn để tránh thực phẩm ở nhiệt độ nguy hiểm (8-63 độ C).
Thậm chí khi thực phẩm được gói trong bao bì không thấm nước, vẫn có vi khuẩn bám trên bề mặt của chậu rửa, vì vậy cần vệ sinh thau chậu sau khi đã rã đông.
Ngoài ra, thực phẩm sau rã đông nên được nấu chín trong vòng 24 giờ đầu, nếu chưa thể nấu ngay, nên bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.
Đối với những món ăn đã chế biến, cần cấp đông để dùng dần trong những ngày Tết, nên chia nhỏ khối lượng thực phẩm thành từng phần vừa đủ cho một bữa ăn, tốt nhất là trữ trong hộp thủy tinh, khi ăn thì rã đông phần đó trong lò vi sóng.
Những lưu ý trên góp phần đảm bảo quá trình chế biến thực phẩm được an toàn, đảm bảo sức khỏe để vui Tết.
Bác sĩ Trần Thị Hiếu - phụ trách khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết những thực phẩm không được trữ đông như: rau xanh, trái cây, thực phẩm dễ vữa nát (mì, miến, bún, phở, trứng sống), thức ăn bao bột bên ngoài như bột chiên.
Khi bảo quản các loại thịt, cá, hải sản không nên để nhiệt độ âm quá sâu làm protein biến tính, thường âm 10 đến 15 độ C là được.
Việc chế biến thực phẩm đông lạnh phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải phân khu vực chế biến riêng biệt: sơ chế, rửa đồ sống, bếp nấu... thành từng khu riêng.
Bác sĩ Hiếu khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, thức ăn cần phải ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên. Thực phẩm lựa chọn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./.
Rã đông không để quá 2 giờ nhiệt độ thường
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết ngộ độc thực phẩm là bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Các nguyên nhân gây bệnh gồm: Vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng hoặc độc tố của chúng.
Người dân cần chú ý ăn chín, uống sôi, sử dụng sản phẩm còn hạn sử dụng, hạn chế đồ sống hoặc tái. Đặc biệt lưu ý tách biệt đồ sống và đồ chín, có dụng cụ chế biến thức ăn sống và chín riêng.
Bên cạnh đó, đậy thức ăn khi không dùng để tránh bụi, ruồi muỗi. Lưu ý đun lại thức ăn thừa ở nhiệt độ hơn 70 độc C trước khi ăn.
Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, không nên để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường, rửa tay, vệ sinh bếp sạch sẽ.
|
Theo Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/ra-dong-thuc-pham-ngay-tet-luu-y-gi-de-khong-bi-nhiem-khuan-20240130103407308.htm