Tiếng Việt | English

31/05/2018 - 06:02

Sách cổ về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt là Di sản thế giới

Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, sách cổ “Hoàng hoa sứ trình đồ” của Việt Nam đã chính thức được ghi danh vào danh sách Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Đoàn Việt Nam tại hội nghị. (Ảnh: Thu Phương)

Quyết định trên được đưa ra vào lúc 17 giờ 5 phút giờ địa phương (tức 15 giờ 5 phút theo giờ Hà Nội) tại Hội nghị Toàn thể lần thứ tám của Uỷ ban Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO diễn ra tại Gwangju (Hàn Quốc).

Cuốn sách hiếm gặp

Đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, “Hoàng hoa sứ trình đồ” là cuốn sách miêu tả về một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc trong thế kỷ 18, cụ thể là việc đi sứ của sứ bộ Việt Nam sang Trung Quốc, thể hiện việc giao lưu giữa các quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Cuốn sách có phần chính là bản đồ ghi chép bằng nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của sứ bộ Đại Việt thế kỷ 18 do Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.

Nói khác đi, bên cạnh nội dung chính là vẽ lại bản đồ đi sứ của sứ bộ Đại Việt thế kỷ 18, sách còn có một số nội dung như: ghi lại cảnh sông núi, hình thức đón tiếp, độ dài cung đường, danh lam thắng cảnh, khảo sát lại hành trình đi sứ...

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” có kích thước 30x20 cm, dày 2 cm, được in trên bản mộc giấy dó.

Theo đánh giá chung, đây là cuốn sách độc đáo hiếm gặp về hành trình đi sứ mà một dòng họ lưu giữ được.

Thông qua với 17/17 phiếu

Hồ sơ “Hoàng hoa sứ trình đồ” đã được bảo vệ thành công tại phiên họp thứ 7 của khóa họp, được các nước đánh giá cao là một hồ sơ hiếm, quý nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 18, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và trên thế giới và được thông qua với số phiếu 17/17 phiếu.

Một trang của cuốn sách. (Ảnh: Thu Phương)

Hội nghị Toàn thể lần thứ tám của Uỷ ban Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO diễn ra từ ngày 29-31/5 tại Gwangju (Hàn Quốc) với sự tham gia của 125 đại biểu đến từ 28 quốc gia thành viên, Văn phòng UNESCO tại Bangkok, Văn phòng UNESCO tại Jarkarta, các chuyên gia tư vấn…

Như vậy, đế thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có ba di sản được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc chương trình Ký ức Thế giới, bao gồm: Mộc bản triều Nguyễn (2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám (2011) và Châu bản triều Nguyễn (2017).

Bên cạnh đó, bốn di sản khác của Việt Nam cũng đã đươc công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm: Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (2012), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Mộc bản trường Phúc Giang (2016) và sách cổ Hoàng hoa sứ trình đồ (2018).

Chương trình “Ký ức thế giới” được UNESCO khởi xướng vào năm 1992 với mục đích bảo tồn các di sản tư liệu của nhân loại; nâng cao ý thức, sự chú ý của thế giới tới việc gìn giữ các sưu tập tài liệu quý, hiếm... Chương trình này được quản lý bởi các ủy ban ở ba cấp: quốc tế, khu vực và quốc gia.

Danh hiệu này được chia thành hai loại: Di sản Tư liệu Thế giới  thuộc chương trình Ký ức thế giới (được xét vào các năm lẻ) và Di sản Tư liệu Thế giới  thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (xét vào các năm chẵn)./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết