Tiếng Việt | English

22/10/2021 - 10:15

Sân khấu kịch tìm cách 'giữ lửa'

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng muốn tồn tại sau đợt dịch Covid-19 thứ 4 đầy khắc nghiệt, sân khấu kịch phải mạnh dạn rứt khỏi hào quang cũ

Hòa mình vào không khí chào mừng sự kiện 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam, sân khấu kịch

TP.HCM vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến ôn lại chặng đường hình thành và phát triển, đồng thời cùng bàn luận giải pháp "Làm gì để "giữ lửa" khi sống chung với Covid?".

Đúng quỹ đạo sẽ bừng sáng

Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP.HCM đã thực hiện buổi tọa đàm bằng đề dẫn mở đầu của 3 nghệ sĩ gạo cội của kịch nói miền Nam: NSND Kim Cương, NSND Trần Minh Ngọc và NSƯT Thành Lộc. Đề dẫn này được ghi hình ngày 20-10, sau đó phát sóng trực tuyến vào đêm 26-10 với sự tham gia của NSƯT Ca Lê Hồng, NSƯT Thành Hội, NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Mỹ Uyên, tác giả Trần Văn Hưng, tác giả Nguyễn Anh Kiệt, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn,...

NSND Trần Minh Ngọc, NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc (từ trái sang) trong buổi tọa đàm do Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM tổ chức tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố

NSND Kim Cương cho rằng khi cuộc chiến chống Covid-19 được xác định còn kéo dài thì biểu diễn nghệ thuật cũng phải tìm cách thích ứng an toàn với đại dịch. Sân khấu kịch có thể dựa vào hào quang cũ để khơi gợi sáng tạo, cần sự chung sức khi phản ảnh đời sống thực tế. Điều quan trọng là phải làm sao để mỗi sân khấu phải là một thương hiệu, một phong cách, đưa đến khán giả những tác phẩm mang tính đối thoại, phản biện nhưng vẫn đầy chất phóng khoáng của người Sài Gòn - TP HCM.

"Lửa nghề thì nghệ sĩ đều sẵn có trong máu, chạm đúng quỹ đạo thì sẽ bừng sáng. Giữ được sức bền của ngọn lửa đó sau đại dịch chính là sự đoàn kết" - NSND Kim Cương nhìn nhận.

Theo NSƯT Thành Lộc, 3 mũi nhọn cần tập trung là kịch bản, công tác đạo diễn và tiếp cận khán giả. Điều công chúng mong mỏi nhất lúc này là sân khấu có thể mang đến điều gì cho người xem từ góc nhìn đầy tinh thần trách nhiệm của các nghệ sĩ.

"Làm nghề tử tế thì vẫn phải tiếp tục cống hiến và dấn thân dù gặp khó khăn khi phải sống chung với dịch bệnh nhiều phức tạp" - NSƯT Thành Lộc thẳng thắn.

Cách nào để phát triển căn cơ?

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cho rằng kịch nói Việt Nam dù đã tròn 100 năm song hiện vẫn tồn tại lỗ hổng: Chưa có trường lớp nào đào tạo nhà quản lý, nhà sản xuất - gọi nôm na là ông bầu, bà bầu của sân khấu.

"Chưa ở đâu làm kịch dễ như ở Việt Nam, chỉ cần có chút vốn là mở ngay sân khấu tư nhân nhưng nhà đầu tư cứ chơi liều, làm đến khi hết tiền thì đóng cửa. Nhiều người không biết gì về phân khúc thị trường, công tác quan hệ công chúng, chiến lược dàn dựng và xây dựng thương hiệu.

Vì vậy, kịch TP HCM như lửa rơm, có lúc bừng sáng, có lúc tắt ngúm. Để khôi phục guồng máy sau đại dịch, rất cần chủ trương, chính sách hợp lý, rất cần có Luật Sân khấu như bên điện ảnh đã bàn thảo về Luật Điện ảnh. Hành lang pháp lý này sẽ là nền tảng giúp sân khấu kịch nói phát triển căn cơ hơn chứ không theo kiểu mạnh ai nấy làm" - đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn bày tỏ.

Cũng theo đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, kịch miền Bắc được bao cấp từ ngân sách, còn kịch miền Nam bán vé để nuôi sống từng vở diễn nên vai trò của ông bà bầu được đào tạo chính quy là rất quan trọng. Khi mà công nghệ phát triển, vận hành sân khấu như thế nào, chiến lược đầu tư kịch bản bám sát đời sống ra sao... sẽ đánh bật cách làm cũ, theo tư duy "hên, xui" như một số sân khấu tư nhân đã làm.

Các nghệ sĩ cũng nêu tại tọa đàm những ý kiến về bộ tiêu chí chung, thống nhất các quy định về việc đón khán giả tới thưởng thức nghệ thuật; những yêu cầu cụ thể về việc kiểm soát an toàn đối với đơn vị tổ chức, nghệ sĩ, người xem; giới hạn số khán giả trong không gian biểu diễn của từng sân khấu khi TP.HCM cho phép sàn diễn sáng đèn.

Sau gần 2 năm bị dịch Covid-19 gây tổn thất, nguồn lực của sân khấu tư nhân đã đuối, cần có chính sách hỗ trợ giá vé để khán giả đến rạp. NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh: Để bảo đảm hoạt động trở lại, sân khấu tư nhân tại TP HCM mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước trong việc đặt hàng sáng tác, quảng bá, dàn dựng tác phẩm, ổn định đời sống người trong ngành.

Ngành nghệ thuật biểu diễn ở TP.HCM sau thời gian tắt đèn đã chuẩn bị tâm thế, từng bước hướng tới thiết lập các website, kênh phát sóng trực tuyến để quảng cáo các chương trình, kịch mục trên nhiều nền tảng công nghệ nhằm chào đón người xem.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, tổ chức biểu diễn trực tuyến là một giải pháp tình thế cần được chú trọng trong tình hình hiện nay. Sân khấu kịch TP.HCM phải vận dụng cách làm này để khán giả thấy được cái đẹp từ sàn diễn mà chọn lựa sản phẩm thích hợp để đến xem. Sự tương tác trực tiếp giữa khán giả với nghệ sĩ sẽ góp phần mang lại hiệu ứng sáng tạo cho sân khấu kịch./.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn dự định tổ chức Liên hoan Sân khấu kịch nói tại TP HCM vào tháng 12/2021 dành cho các sân khấu kịch tư nhân. Ngày 26/10, 15 đơn vị nghệ thuật sẽ tham dự cuộc họp tại Hội Sân khấu TP HCM để chuẩn bị khi phương án tổ chức này được "bật đèn xanh".

"Nếu diễn ra đúng hẹn, cú hích này sẽ giúp sân khấu kịch TP HCM có động lực chào đón khán giả bằng các vở diễn được đầu tư vừa để tranh tài vừa để phục vụ sau gần 2 năm ngưng hoạt động" - NSƯT Trịnh Kim Chi kỳ vọng.

Theo Người Lao Động

 

Chia sẻ bài viết