Nhà giáo ưu tú, giáo sư-tiến sỹ Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng HSU phát biểu. (Ảnh: Vietnam+)
Ngày 9/4, Trường Đại học Hoa Sen (HSU) phối hợp với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh họp báo công bố tổ chức Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019 (Vietnam Tourism Human Resources Forum).
Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn."
Cụ thể, Diễn đàn dự kiến diễn ra vào ngày 12/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo Trung ương, bộ, ban ngành liên quan, Sở Du lịch các tỉnh, thành trong cả nước.
Đồng thời, diễn đàn thu hút các chuyên gia hàng đầu từ các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và đơn vị đào tạo ngành du lịch trong và ngoài nước.
Diễn đàn được kỳ vọng là cơ hội để cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo về du lịch gặp gỡ, trao đổi, tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam.
Hiện nay, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu; chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã dần được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn ngành.
Theo thống kê, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp, từ sơ cấp đến đại học, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 63 cơ sở đào tạo du lịch (24 đại học, 20 cao đẳng, và 19 trung cấp).
Tuy nhiên, ngành vẫn còn những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Song song với đó, hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
Mặt khác, liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp, giữa các chủ thể cần chặt chẽ và đồng bộ hơn.
Các chính sách và hành lang pháp lý cho tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa thực sự phù hợp.
Do đó, để góp phần giải quyết các vấn đề trên, Diễn đàn sẽ tập trung các nội dung, gồm: thực trạng và quan điểm đổi mới đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam; hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch; Đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự du lịch; Ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực ngành du lịch...
Theo Nhà giáo ưu tú, giáo sư-tiến sỹ Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng HSU, đón đầu xu hướng dịch chuyển dần về các ngành dịch vụ đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới, Khoa Du lịch-Trường Đại học Hoa Sen cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu, tạo những điều kiện tốt nhất để thúc đẩy quá trình chuyển đổi về trí tuệ, văn hóa, xã hội và bản thân người học một cách hiệu quả.
Khoa Du lịch của HSU hiện có 3 ngành đào tạo là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống và chương trình liên kết hợp tác với Trường Du lịch và Khách sạn quốc tế Vatel.
Ngoài những hoạt động ngoại khóa thiết thực, những đề án sát với chuyên ngành, Khoa Du lịch của HSU không ngừng phát triển các chương trình đào tạo tích hợp với các dự án khởi nghiệp trong một môi trường mở, cập nhật linh hoạt với xu hướng ngành, tăng cường trải nghiệm sáng tạo và kết nối văn hóa toàn cầu.
Đội ngũ giảng viên được tăng cường các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và thế giới trong từng lĩnh vực chuyên môn.
Ngoài ra, chương trình trao đổi sinh viên cũng là một công tác trọng yếu mà lãnh đạo trường và Khoa rất quan tâm như hợp tác với các trường/tổ chức tại Pháp (Trường La Rochelle, PSB Paris School of Business...).
Theo khảo sát việc làm của sinh viên HSU sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên ngành du lịch, nhà hàng-khách sạn có việc làm (tính từ năm tốt nghiệp 2011 đến nay) đạt trung bình 95%. Một số sinh viên tiếp tục học nâng cao trình độ với bậc học cao hơn tại các trường đại học trong và ngoài nước, hoặc tự khởi nghiệp kinh doanh.
Tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành đạt hơn 53%, đa phần công tác tại các khách sạn 4 và 5 sao, các hãng lữ hành uy tín và các hãng hàng không trong nước và quốc tế./.
Theo Vietnam+