Dù đông người nhưng Lễ hội Vía bà Ngũ Hành không xảy ra tình trạng tranh lộc. Việc xin lộc diễn ra trật tự, từng người chờ đến lượt mình nhận
Nét đẹp mùa lễ hội
Tháng Giêng trôi qua ở Long An với một mùa lễ hội thật rộn ràng, trong đó, long trọng và thu hút nhiều người đến là Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành và Lễ hội Vía bà Ngũ Hành, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc.
Nếu Lễ hội Làm Chay, nụ cười tranh lộc trong đêm xô giàn được một số trang báo và người đi trẩy hội ngợi khen thì ở Miếu bà Ngũ Hành Long Thượng, Lễ hội Vía bà cũng đượm nét đẹp tâm linh. Từng dòng người đến thắp hương, dù khá đông nhưng mọi người đều ý thức, không chen lấn và xếp hàng xin lộc.
Chị Phạm Thị Nguyệt, ngụ xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc nói rằng: “Tôi là công nhân nên tranh thủ buổi chiều tối tan ca, ghé ngang miếu thắp hương cầu an cho gia đình. Tôi cũng xin lộc mang về với mong ước có sức khỏe để lao động kiến tiền nuôi các con vào đại học. Túi lộc gồm có trái cây hay nhành hoa huệ, cúc, vạn thọ mà bất kỳ ai xin cũng được cho mang về. Những người xin lộc cũng không tranh giành mà ngay ngắn xếp hàng chờ đến lượt mình”.
Lễ hội Làm Chay vừa qua còn tình trạng buôn bán hàng rong hai bên đường vào đình Tân Xuân
Theo Hội trưởng Ban Hội hương miếu bà Ngũ Hành Long Thượng - ông Phạm Minh Cảnh, năm nay, miếu được trùng tu, tôn tạo nên lượng khách đến rất đông. Để bảo đảm đủ lộc phát cho mọi người, tránh xảy ra tình trạng tranh giành nhau, ngoài những lễ vật người dân mang đến phụng cúng, miếu còn dùng số tiền xã hội hóa từ hòm công đức mua thêm một ít trái cây để chia thành những túi lộc tặng người dân khi đi lễ vía bà. Ngoài ra, đến Lễ hội Vía bà Ngũ Hành, sau khi thắp hương, mỗi người quay xuống tầng trệt của miếu dùng bữa cơm.
“Người dùng cơm rất đông, nếu không có những người phụ giúp công tác hậu cần thì có lẽ, lễ hội rất lộn xộn và việc tiếp khách thiếu chu đáo” - ông Phạm Minh Cảnh nói thêm.
Lực lượng nấu ăn, dọn bàn phục vụ hoàn toàn tự nguyện tham gia trong những ngày diễn ra lễ hội với số lượng hơn 50 người vào ban ngày và gần 10 người vào buổi tối. Trong đó, người lớn tuổi nhất là bà Nguyễn Thị Gắt, 78 tuổi, ngụ xã Long Thượng. Ngày thường, bà Gắt ở nhà trông cháu nội và làm muối ớt bán cho khách vãng lai đi đường nhưng đến những ngày lễ hội diễn ra, bà gác việc nhà đến miếu phụ nấu ăn cả ngày lẫn đêm.
Vẫn còn người bán vé số, bán nhang trong khu vực diễn ra Lễ hội Vía bà Ngũ hành Long Thượng
Hướng đến lễ hội văn minh
Bên cạnh mùa lễ hội với nhiều hình ảnh đẹp từ khâu tổ chức, các hoạt động và tấm lòng người dân thì vẫn còn những “hạt sạn” cần mạnh tay dẹp bỏ để những mùa lễ hội sau ngày càng văn minh, trật tự.
Ở Lễ hội Làm Chay, hai bên đường dẫn vào đình Tân Xuân vẫn còn nhiều người buôn bán hàng rong, chủ yếu là các mặt hàng lưu niệm và đồ chơi trẻ em. Điều này gây mất mỹ quan trong khu vực diễn ra lễ hội. Chị Trần Nguyễn Trúc Hà, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM phản ánh: “Khi khách đi ngang qua đây, những người bán hàng mời mua và có người đi luôn không ghé lại nhưng cũng có người mua rồi đôi co ngả giá. Điều này ảnh hưởng đến vẻ tôn nghiêm nơi diễn ra lễ hội. Nếu hạn chế được những người bán hàng dọc đường vào đình thì lễ hội sẽ trật tự hơn”.
Còn ở miếu bà Ngũ Hành, những người bán hàng rong tập trung gần khu vực hành lễ để bày bán nhang. Không những bán nhang trước cửa miếu mà những người bán còn giúp người mua đốt nhang trước khi vào thắp gây nên lộn xộn và ngộp khói,... Bên trong miếu, gần 10 người bán vé số xếp thành hàng dài ngồi bán nên cản trở lối đi. Theo ông Phạm Minh Cảnh, dù lực lượng công an lập lại trật tự nhiều lần nhưng họ vẫn vào đây bán làm ảnh hưởng đến không gian lễ hội.
Ngoài ra, theo Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Tấn Quốc: “Ở miếu bà Ngũ Hành còn xảy ra việc đốt nhang quá nhiều - vì yếu tố tâm linh, mặc dù loa phát thanh ở miếu liên tục nhắc nhở. Còn ở Lễ hội Làm Chay, có xảy ra vài trường hợp người đi lễ hội bị móc túi nhưng tất cả điều này do ý thức của người đi lễ hội chứ lực lượng chức năng luôn chú trọng công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lễ hội”.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Quốc, Long An là một trong những tỉnh từng được đánh giá tốt về công tác quản lý lễ hội nên không xảy ra hiện tượng mê tín, tranh lộc, “buôn thần, bán thánh” như một số nơi khác. Những hạn chế trên sẽ dần được khắc phục trong những mùa lễ hội sau, chủ yếu bằng hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức người tổ chức lẫn khách đi lễ hội. Ngoài ra, ngành chức năng và địa phương kiểm tra trước, trong và sau lễ hội để rút kinh nghiệm hàng năm, từ đó hướng đến những lễ hội thật sự văn minh nhưng vẫn đậm đà tính truyền thống./.
Nguyễn Ngọc