Tiếng Việt | English

14/08/2023 - 16:15

Sẽ hỗ trợ lao động giảm việc, mất việc từ 1-3 triệu đồng?

Công đoàn dự kiến kéo dài gói hỗ trợ lao động mất việc và trả lời kiến nghị lùi đóng kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp khó khăn.

Ông Phan Văn Anh, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - Ảnh: DANH KHANG

Ông Phan Văn Anh - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn bên lề Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII), ngày 14-8.

Hỗ trợ cho lao động thiếu việc làm, mất việc làm

Theo ông Phan Văn Anh, cuối năm 2022, các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động.

Do vậy, Đoàn chủ tịch tổng liên đoàn đã có nghị quyết 06 và nghiên cứu ban hành quyết định hỗ trợ cho lao động thiếu việc làm, mất việc làm... Theo đó, hơn 81.600 đoàn viên, người lao động được hỗ trợ. Tổng số tiền trên 114 tỉ đồng.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, lao động bị ảnh hưởng. Do đó, Công đoàn dự kiến ban hành nghị quyết kéo dài nghị quyết 06 đến hết ngày 31-12-2023.

Dự kiến có khoảng 50.000 người bị giảm việc, ngừng việc, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người; khoảng 40.000 người bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, mức hỗ trợ 2 triệu đồng người. Khoảng 5.000 người bị mất việc, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người.

Ông Phan Văn Anh nêu rõ Công đoàn chưa đề xuất người lao động bị giảm giờ làm có mức lương cao hơn mức tối thiểu.

Nguyên nhân là công nhân mất 1-2 ngày làm việc/tháng hoặc giảm giờ làm thì lương vẫn cao hơn lương tối thiểu vùng.

Tuy vậy Công đoàn vẫn kiến nghị với các bộ, ban, ngành để có chính sách hỗ trợ thêm từ ngân sách nhà nước.

"Công đoàn không đủ nguồn lực để hỗ trợ thêm cho đối tượng này", ông Phan Văn Anh nói.

Công đoàn nói gì về giảm đóng kinh phí công đoàn?

Về kiến nghị công đoàn cơ sở giữ lại kinh phí công đoàn hết năm 2024 và giảm đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%, ông Phan Văn Anh nêu rõ Công đoàn sẽ sớm có báo cáo Chính phủ.

Vị này giải thích kinh phí công đoàn để lại cơ sở 75%, còn 25% nữa chuyển lên công đoàn cấp trên cơ sở để cân đối chi toàn quốc và dành nguồn lực chăm lo đoàn viên, người lao động.

"Nếu giảm mức đóng thì kinh phí công đoàn tại cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn trong chăm lo trực tiếp đoàn viên người lao động", ông nói.

Theo lãnh đạo Công đoàn Việt Nam, tinh thần là doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, có 50% lao động bị dừng việc thì được lùi đóng kinh phí công đoàn hết năm 2023./.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết