Tiếng Việt | English

17/12/2020 - 10:41

Sớm ngăn chặn học sinh hút thuốc lá điện tử trong trường học

Thuốc lá điện tử (TLĐT) hay thuốc lá thế hệ mới không hề kém độc so với thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, hiện loại thuốc lá này đã “xâm nhập” vào các trường học, với vẻ bên ngoài khá đặc biệt, làm mọi người nhầm lẫn với các loại vật dụng khác như son môi, cây bút, hộp quẹt, chai dầu, bình nước uống, đĩa flash,...

Các khẩu hiệu “Trường học không khói thuốc lá” tại trường THCS Trần Thế Sinh
Các khẩu hiệu “Trường học không khói thuốc lá” tại trường THCS Trần Thế Sinh

Thuốc lá điện tử "xâm nhập" trường học 

Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.Tân An, tỉnh Long An: Trên địa bàn phát hiện trên 50 học sinh (HS) các cấp học có biểu hiện hút TLĐT, trong đó có cả HS nữ. Hiện nhiều trường đang đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền, giáo dục Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghiêm cấm hành vi hút thuốc lá ở nơi công cộng và trong trường học. 

“Tình trạng hút TLĐT ở TP.Tân An có chiều hướng tăng trong HS các trường THCS. Theo thống kê sơ bộ, tất cả trường THCS trên địa bàn phát hiện 47 HS hút TLĐT, trong đó HS nữ chiếm 1/2. Vào giờ nghỉ, các em vào phòng vệ sinh của trường và quán cà phê xung quanh trường tụ tập hút, đặc biệt gần đây xuất hiện loại thuốc lá không để lại mùi hôi và tan nhanh trong không khí nên rất khó phát hiện” - Trưởng phòng GD&ĐT TP.Tân An - Dương Minh Quốc thông tin.

Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng - Lê Phát Hiển cho biết: “Nhà trường đã phát hiện 7 em sử dụng TLĐT và tịch thu nhiều dụng cụ dùng để hút TLĐT. Phần lớn các em hút TLĐT ngoài nhà trường và chỗ gửi xe”.

H.T.B. - HS lớp 9, Trường THCS Trần Thế Sinh, cho biết: “Trong một lần uống nước, em nghe một nhóm bạn bàn tán về TLĐT như mua ở đâu, giá cả thế nào, chỗ nào rẻ hơn... Bản thân em cũng biết TLĐT và tác hại của nó. Nhiều bạn nghĩ TLĐT vô hại nhưng thực tế không phải vậy. Hàm lượng nicotin trong TLĐT cao hơn thuốc lá thông thường rất nhiều. Đây chính là chất gây nghiện, làm cho người sử dụng bị lệ thuộc, bắt buộc phải dùng tiếp, nếu không sẽ vật vã khó chịu. TLĐT còn khó cai hơn thuốc lá thường”.

Theo đánh giá của nhiều bác sĩ chuyên khoa sức khỏe, TLĐT tác hại không thua gì thuốc lá điếu, thậm chí còn nguy hiểm hơn do có nhiều mùi hương hấp dẫn và chất nicotin làm tổn thương các mạch máu, gây ra bệnh tim mạch và đột quỵ, gây tổn thương lâu dài về sức khỏe cho các em HS, nhất là việc học tập của các em.

Tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe

Cần sự chung tay của cộng đồng

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bến Lức - Trần Thanh Phong, những năm qua, tình trạng hút TLĐT xảy ra trong một vài trường học trên địa bàn. HS có thể đã mua TLĐT qua Internet và thường hút trong nhà vệ sinh hoặc bên ngoài trường. Tuy nhiên, bằng những biện pháp nghiệp vụ mật báo, trường đã phát hiện và có những hình thức xử lý kịp thời; mời phụ huynh học sinh đến trao đổi, buộc HS cam kết không tái phạm. Nhờ vậy, đã khống chế được tình trạng này. Về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, Phòng đã thực hiện các văn bản chỉ đạo, triển khai đến trường học các biện pháp tuyên truyền.

“HS cấp 2, đặc biệt là khối lớp 8, là đối tượng rất dễ bị lôi kéo nhất bởi vì ở lứa tuổi này tâm sinh lý thay đổi, dễ nổi loạn, muốn chứng tỏ bản thân. Trường cũng tích cực tuyên truyền đến HS về tác hại thuốc lá, TLĐT thông qua các đợt sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi. Đối với phụ huynh học sinh, trường thông tin qua các trang, mạng xã hội như Zalo,... Đồng thời, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các vị trí trung tâm trường để HS, giáo viên, phụ huynh dễ dàng nhìn thấy. Nhà trường còn phối hợp công an xã kiểm tra chặt chẽ các hàng quán bên ngoài nhà trường nhằm hạn chế thấp nhất việc HS bị các đối tượng xấu lôi kéo” - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Thế Sinh, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức - Nguyễn Hoàng Vinh cho biết.

Thuốc lá điện tử các trường THCS thu giữ được

Thuốc lá điện tử các trường THCS thu giữ được

N.T.A. - HS lớp 9, Trường THCS Trần Thế Sinh, chia sẻ: “Ngoài những buổi sinh hoạt dưới cờ, em mong nhà trường có thêm nhiều buổi sinh hoạt tuyên truyền về tác hại của TLĐT. Qua đó, các bạn có thêm kiến thức và tự nâng cao ý thức phòng, chống cho bản thân trước những lời lôi kéo cũng như để các bạn thông tin đến gia đình và người thân của mình”.

“Em biết TLĐT là như thế nào và cũng từng thấy các bạn hút TLĐT. Các bạn thường hút bên ngoài trường và cả trong trường cũng có, ngay tại căng tin. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã bị phát hiện và xử lý. Theo quy định của trường, nếu phát hiện thì sẽ kỷ luật và mời phụ huynh. Đồng thời, qua những buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, trường cũng tuyên truyền về tác hại của việc hút thuốc” - B.T.M.T. - HS lớp 10, Trường THPT Nguyễn Thông, huyện Châu Thành, thông tin.

Ông H. - phụ huynh HS Trường THCS Nguyễn Trung Trực, huyện Bến Lức, kể: “Mới đây, trong lớp con tôi (lớp 8) có HS sử dụng TLĐT. Qua việc này cho thấy, TLĐT đã xâm nhập vào học đường. Vì vậy, tôi luôn dặn dò, theo sát con mình, dù là con gái cũng không được chủ quan”.

Trưởng phòng GD&ĐT TP.Tân An - Dương Minh Quốc cho biết thêm: “Ngành GD&ĐT TP.Tân An chỉ đạo các trường THCS thường xuyên kiểm tra nhà vệ sinh vào giờ ra chơi. Đồng thời, trong giờ ra chơi không cho các em ra ngoài vì dễ trốn vào hàng quán để hút TLĐT. Các trường phối hợp lực lượng công an địa phương quyết liệt ngăn chặn tình trạng HS hút TLĐT ngoài giờ học, bên ngoài trường học”.

Thầy Lê Phát Hiển thông tin thêm: “Hiện nay, Trường THCS Lý Tự Trọng áp dụng nhiều biện pháp không để HS hút TLĐT trong trường học, đồng thời trường phối hợp Công an phường 4 kiểm tra cơ sở gửi xe gần trường học và cho làm cam kết không để HS hút TLĐT tại cơ sở gửi xe và yêu cầu tất cả HS gửi xe trong trường học. Trường phân công cô Trần Thị Huyền Trang - nhân viên y tế, thường xuyên cập nhật tài liệu về tác hại của TLĐT, tuyên truyền trong nhà trường tại các buổi sinh hoạt dưới cờ và giờ sinh hoạt lớp”.

Được biết, ngành Y tế đã dự kiến xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để trình Chính phủ và Quốc hội kiến nghị đưa TLĐT vào danh mục cấm sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam nhằm bảo vệ sức khỏe cho người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Trước mắt, cần có sự tham gia của toàn xã hội, nhất là của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, phòng, chống tác hại của thuốc lá thế hệ mới đối với thế hệ trẻ.

Thuốc lá điện tử (electronic cigarettes) là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa chất nicotin và các loại dược liệu, hương liệu), biến dung dịch này thành hơi để người hút có thể hít vào phổi. Thuốc lá điển tử còn có tên gọi khác là vape, vaporize hay hệ thống phân phối nicotin điện tử (Electronic Nicotine Delivery Systems), shisha điện tử,... Hiện thuốc lá điện tử lan nhanh trong trường học ở Mỹ và một số quốc gia phát triển. Theo ngành Y tế, trên thế giới đã có nhiều ca tử vong liên quan đến thuốc lá điện tử./.

Minh Đăng - Trần Thoa

 

Chia sẻ bài viết