1. Tỏi có thể tăng cường chức năng miễn dịch
Tỏi chứa các hợp chất giúp hệ thống miễn dịch chống lại vi trùng. Tỏi có chứa một hợp chất là alliin, khi tỏi được nghiền nát hoặc nhai, hợp chất này biến thành allicin chứa lưu huỳnh, tạo cho tỏi có mùi và vị đặc biệt, tạo ra đặc tính chữa bệnh của tỏi.
Hợp chất này đã được chứng minh là có khả năng tăng cường phản ứng chống lại bệnh tật của một số loại tế bào bạch cầu trong cơ thể khi chúng gặp phải virus, chẳng hạn như virus gây ra cảm lạnh thông thường hoặc cúm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỏi có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như thời gian mắc bệnh, và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Một nghiên cứu đã cho 146 tình nguyện viên khỏe mạnh bổ sung tỏi hoặc giả dược trong 3 tháng. Nhóm ăn tỏi có nguy cơ bị cảm lạnh thấp hơn 63%. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm về thời gian hồi phục sau cảm lạnh.
Một nghiên cứu khác cho thấy cảm lạnh ngắn hơn đáng kể đối với những người ăn 2,56 gam chiết xuất tỏi già mỗi ngày trong mùa lạnh và cúm, so với nhóm dùng giả dược. Cảm lạnh của họ cũng ít nghiêm trọng hơn.
Tỏi giúp tăng sức đề kháng.
2. Làm thế nào để tối đa hóa lợi ích của tỏi?
Cách chế biến hoặc chuẩn bị tỏi có thể thay đổi lợi ích sức khỏe của nó. Enzyme alliinase chuyển alliin thành allicin có lợi, chỉ hoạt động trong một số điều kiện nhất định. Nó cũng có thể bị vô hiệu hóa bởi nhiệt. Một nghiên cứu cũ hơn cho thấy rằng chỉ cần 60 giây lò vi sóng hoặc 45 phút trong lò nướng có thể làm mất tác dụng của alliinase.
Người ta lưu ý rằng:
- Nên đập dập hoặc cắt lát tỏi trước khi ăn. Điều này làm tăng hàm lượng allicin.
- Trước khi nấu với tỏi đã đập dập, hãy để yên trong 10 phút.
- Sử dụng nhiều tỏi - nhiều hơn một tép mỗi bữa ăn, nếu có thể.
- Sử dụng tỏi bột từ tỏi tươi, thái mỏng và phơi khô. Điều này giúp enzyme alliinase tồn tại trong môi trường khắc nghiệt của dạ dày để có thể chuyển hóa alliin thành allicin có lợi trong ruột.
Muốn dễ ăn hơn, hãy nghiền tỏi trộn với một thìa mật ong hoặc dầu ô liu
3. Những bất lợi khi dùng tỏi không đúng cách
Nếu bạn sử dụng tỏi không đúng cách, bạn có thể gặp những tác dụng bất lợi như sau:
- Trẻ có thể bị bỏng và loét da nếu bạn giã tỏi nguyên chất hoặc nồng độ đậm đặc đặt vào vùng da đó. Đây là trường hợp rất hay gặp loét viêm da vùng rốn do cha mẹ hoặc người chăm sóc hay đặt để làm khô dịch rốn ở trẻ sơ sinh.
- Bỏng niêm mạc mũi nếu bơm rửa mũi bằng dung dịch tỏi đậm đặc hoặc rượu tỏi theo truyền miệng là sẽ chữa khỏi viêm mũi xoang… Có thể bị tổn thương toàn bộ niêm mạc mũi xoang thậm chí tổn thương cả dây thần kinh khứu giác gây mất mùi.
4. Một số cách sử dụng tỏi trong các món ăn hàng ngày
- Rắc tỏi băm nhỏ lên các món mì, thêm tỏi băm vào gà nướng hoặc măng tây nướng cùng, xấp xỉ 1 gam. Có nhiều dạng tỏi có sẵn, chẳng hạn như gia vị tỏi, bột tỏi và muối tỏi.
Tuy nhiên, tốt nhất nên dùng ở dạng tự nhiên để giải phóng alliin giúp chống lại nhiễm trùng. Thêm 2-4 gam tép tỏi tươi, băm nhỏ để làm gia vị cho bữa ăn của bạn.
- Nấu tỏi trong dầu ô liu, ở nhiệt độ thấp để không phá hủy các hợp chất hoạt tính của tỏi.
- Ăn súp tỏi: Chọn nước dùng cho món súp của bạn. Một cách tuyệt vời để kết hợp tỏi vào chế độ ăn uống là nấu một món súp có nhiều tỏi. Tùy thuộc vào sở thích cá nhân của bạn, bạn có thể sử dụng nước luộc rau hoặc gà. Tốt hơn hết là bạn nên tự nấu nước dùng súp bằng các nguyên liệu tươi, tự nhiên.
- Ăn tỏi sống: Để dễ ăn hơn, hãy nghiền tỏi trộn với một thìa mật ong hoặc dầu ô liu hoặc bổ sung tỏi hàng ngày bằng cách uống dịch chiết xuất tỏi ở dạng lỏng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm khả năng mắc bệnh và tăng tốc độ phục hồi bệnh, tăng cường sức đề kháng khi dùng hàng ngày.
Tuy nhiên ăn quá nhiều tỏi có thể gây hôi miệng và huyết áp thấp, nên ăn 2-4 tép tỏi mỗi ngày./.
Theo SK&ĐS