Tiếng Việt | English

30/12/2022 - 13:23

Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Thời gian qua, Long An luôn quan tâm đến cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho KT-XH phát triển nhanh, bền vững.

Thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính

Năm 2022, UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai công tác CCHC thông qua Quyết định số 1366/QĐ-UBND, ngày 16/2/2022 về việc ban hành Kế hoạch hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện tiến hành rà soát, đánh giá quy định TTHC thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của ngành, địa phương. Ngày 22/3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2442/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, chuẩn hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền để kịp thời phát hiện những TTHC không còn phù hợp, hết hiệu lực thi hành hoặc chưa được bộ, ngành công bố, công khai. UBND tỉnh giao 14 sở, ngành tỉnh rà soát, đơn giản hóa 34 TTHC thuộc 16 lĩnh vực.

Năm 2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận 67.276 hồ sơ; hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn chiếm 99,72%

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn triển khai, thực hiện kế hoạch và tổng hợp, thẩm định giúp UBND tỉnh báo cáo kết quả công tác rà soát, đánh giá TTHC năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Ngày 08-6-2022, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 5068/UBNDTHKSTTHC chỉ đạo tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và chi phí tuân thủ TTHC theo Văn bản số 3318/VPCP-KSTT, ngày 30-5-2022 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo APCI năm 2021.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện tích cực, chủ động phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tập trung rà soát, hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra theo quy định. Nội dung các phương án, sáng kiến đơn giản hóa TTHC cơ bản bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tính khả thi, tập trung vào những nội dung như kiến nghị cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.

Theo kế hoạch, tỉnh rà soát, đánh giá rà soát đơn giản hóa 34 TTHC. Qua quá trình rà soát và thẩm định, một số TTHC đã được điều chỉnh bởi các văn bản của Trung ương, không phát sinh hồ sơ TTHC trong năm. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị đề xuất bổ sung các phương án đơn giản hóa TTHC ngoài kế hoạch ban đầu. Sau rà soát, UBND tỉnh đã có phương án đơn giản hóa đối với 42 TTHC ở 20 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở, ngành tỉnh.

Tạo động lực cho phát triển kinh tế

Thông tin từ Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh, trong năm 2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 67.276, trong đó có 45.305 hồ sơ tiếp nhận thông qua hình thức trực tuyến (chiếm 70,12%, vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao trên 50%); hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn chiếm 99,72%; hồ sơ giải quyết trễ hạn chiếm 0,28% (UBND tỉnh đề ra dưới 1%). Việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến đã góp phần thúc đẩy công tác CCHC, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại khi thực hiện TTHC, dần tạo thói quen nộp hồ sơ trực tuyến. Các sở, ngành phối hợp tốt TTPVHCC  tỉnh trong việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC. Một số sở, ngành kịp thời có văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết hồ sơ trễ hạn, bảo đảm tuân thủ đúng quy chế phối hợp, số lượng hồ sơ tạm dừng giảm.

Năm 2022, Long An thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đứng thứ 13 trên toàn quốc (Ảnh chụp tại Nhà máy Sản xuất thức ăn cho cá Lotus II thuộc Tập đoàn Skretting trong Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng)

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh (Ban QLKKT) là cơ quan đầu mối giải quyết các TTHC cho doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”; đồng thời là cơ quan kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án tại các khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh. Ban QLKKT tỉnh đã triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo sự đơn giản hóa các thủ tục giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian khi thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng,... Thời gian qua, Ban QLKKT tỉnh giải quyết đúng hạn 100% hồ sơ; trong đó, trước hạn trên 90%, nhất là có trên 35% giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp trong ngày khi nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định là 15 ngày. Điều này làm cho doanh nghiệp hài lòng, tin tưởng vào môi trường đầu tư của tỉnh. Về quy mô các khu công nghiệp, Long An hiện đứng thứ 3 trên toàn quốc (sau tỉnh Đồng Nai, Bình Dương); về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, tỉnh đứng thứ 13 (sau tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc và TP.HCM); về thu hút vốn trong nước, tỉnh đứng thứ 3 (sau tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM) và dẫn đầu các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (đến nay, tổng vốn FDI thu hút đạt trên 5,7 tỉ USD và tổng vốn trong nước đạt 113.285 tỉ đồng).

Long An cũng tập trung cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Theo đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 6363/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số thành phần PCI và tình hình giải quyết TTHC của các sở, ngành, địa phương; ban hành Kế hoạch số 2199/KH-UBND về việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Long An năm 2022.

Để cải thiện PCI, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng trong xử lý vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo đó, UBND tỉnh tăng cường công khai, minh bạch, nhất là các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển KT-XH; quyết liệt thực hiện CCHC, khắc phục tình trạng trễ hạn trong giải quyết TTHC, chủ động rà soát, tham mưu cắt giảm hoặc bãi bỏ các giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không còn cần thiết. UBND tỉnh cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xác định nguyên nhân, sai phạm ở đâu khắc phục ở đó; cơ quan nào gây chậm trễ trong giải quyết hồ sơ TTHC phải xin lỗi doanh nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phải thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, xác định rõ tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp thay vì chỉ quản lý, hỗ trợ như trước đây. Lãnh đạo UBND tỉnh còn thường xuyên tổ chức đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, trao đổi của các doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, UBND tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra công vụ, đặc biệt là kiểm tra đột xuất; thực hiện các giải pháp nâng cao trách nhiệm giải quyết hồ sơ, TTHC của các cơ quan, đơn vị để kéo giảm và hạn chế tối đa tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn, nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính. Triển khai, thực hiện hiệu quả Kế hoạch số1753/KH-UBND về triển khai, thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Long An. Đồng thời, tỉnh tập trung thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, trong đó, ưu tiên tích hợp các dịch vụ công thiết yếu theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với những giải pháp căn cơ, tỉnh phấn đấu PCI năm 2022 quay lại tốp 10 cả nước./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết