Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay, toàn tỉnh có trên 245.000ha lúa, 11.470ha chanh, trên 10.640ha thanh long, 2.645ha mít, 2.714ha khoai mỡ, 893ha sen, trên 5.667ha rau các loại,...; trên 200.000 con gia súc, 8,4 triệu con gia cầm và 4.165ha thủy sản. Trong đó, vùng nguyên liệu (gồm các sản phẩm lúa, rau, quả, chăn nuôi gia cầm, heo, bò thịt và thủy sản) đã được chứng nhận VietGAP, nông nghiệp hữu cơ trên 1.936ha.
Hiện nay, tỉnh đẩy mạnh thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Đây là tiền đề để người dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN) xây dựng các chuỗi liên kết, từ đó, có sự chia sẻ lợi ích và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.
Nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết, việc liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, ổn định được đầu ra sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Hiện nay, trong quy hoạch vùng huyện ở các địa phương trong tỉnh, việc phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được các địa phương ưu tiên quy hoạch.
Đồng thời, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp lợi thế của địa phương nhằm thu hút DN đầu tư vào sản xuất hoặc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với quy mô lớn, từ đó xây dựng và hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Để từng bước đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ra thị trường ngoài tỉnh, Sở NN&PTNT phối hợp Sở Công Thương hướng dẫn các cơ sở, DN trong tỉnh tham gia các hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam; hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP; Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế;...
Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Vườn Nhà Mình (huyện Tân Trụ) - Phạm Ngọc Anh Tuấn cho biết: “Thông qua các hội chợ, các sản phẩm của Cty đã được quảng bá rộng rãi đến các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, với phản hồi tích cực của khách hàng, thương hiệu và uy tín của Cty ngày càng được nâng cao, số lượng khách hàng cũng vì vậy mà ngày càng tăng”.
Nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp
Những năm qua, HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) liên kết với Cty Vinaco Đồng Tháp xây dựng vùng sản xuất lúa theo chuỗi giá trị. Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí chia sẻ: “Hiện nay, HTX có quy mô sản xuất nông nghiệp khoảng 500ha. Thời gian qua, HTX liên kết với nhiều Cty xuất khẩu gạo, xây dựng vùng lúa nguyên liệu trong cánh đồng lớn của tỉnh và thu hút được 103 thành viên tham gia, lợi nhuận trung bình mà các thành viên HTX đạt được khoảng 28 triệu đồng/ha, cao hơn so với bên ngoài 5 triệu đồng/ha. Ngoài ra, HTX còn ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, đầu tư cơ bản thiết bị nhà kho tạm trữ lúa và thiết bị máy nông nghiệp, áp dụng tiến độ khoa học - công nghệ”.
Ông Nguyễn Văn Hải - thành viên HTX Nông nghiệp Gò Gòn, cho biết: “HTX luôn chủ động trong việc nắm bắt cơ chế và nhu cầu của thị trường, từ đó mà hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng. Song song đó, Ban Giám đốc HTX cũng thể hiện vai trò của mình trong việc tìm nguồn vật tư nông nghiệp chất lượng, góp phần làm tăng lợi nhuận cho các thành viên”.
Tăng cường liên kết vùng
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố, là bản quy hoạch vùng đầu tiên được lập nên theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành. Một trong những điểm nhấn là thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường. Theo các nhà chuyên môn, quy hoạch vùng sẽ là bước ngoặt để KT - XH Vùng ĐBSCL được kích hoạt, tiềm năng sẽ được đánh thức. Bởi, quy hoạch này có tính mở, linh hoạt để có thể chủ động thích ứng với xu thế biến đổi liên tục, không ngừng. Trong đó, sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch.
Lúa là loại cây trồng đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh
Được biết, cuối tháng 3/2022, Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn Vùng ĐBSCL được ra mắt tại TP.Cần Thơ. Văn phòng đang thực hiện vai trò điều phối tích hợp thông tin nông nghiệp cấp vùng thông qua số hóa các cơ sở dữ liệu, quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu, chuẩn hóa quy trình sản xuất; kết nối DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu.
Đồng thời, hình thành chuỗi ngành hàng thông qua các hiệp hội ngành hàng bắt đầu từ chuỗi lúa gạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng HTX, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thủy lợi bảo đảm đồng bộ toàn hệ thống. Ngoài ra, Văn phòng còn hỗ trợ, điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hòa giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn.
Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách gây cản trở quá trình liên kết vùng. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giữa HTX với DN, HTX với HTX,... vẫn còn nhiều khó khăn khiến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản chưa được như cam kết. Trong hợp tác giữa các địa phương về liên kết sản xuất, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn; phối hợp tuyên truyền và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của địa phương chưa được thường xuyên, liên tục.
Chế biến sâu giúp nâng cao giá trị sản xuất và tạo đầu ra ổn định cho nông sản (Trong ảnh: Nuôi đông trùng hạ thảo từ cây lan thạch hộc tía và chân tổ yến trong môi trường nhân tạo)
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền, liên kết vùng là một yếu tố rất quan trọng, tuy nhiên thời gian qua, công tác phối hợp giữa các tỉnh, thành phố còn chưa được chặt chẽ. Do đó, sự ra đời của Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL tại Cần Thơ là rất cần thiết. Theo đó, hàng tháng, đại diện 13 Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL sẽ cùng nhau họp, thông tin về tình hình sản xuất của địa phương và có định hướng phát triển phù hợp, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt một sản phẩm tại nhiều địa phương gây ra tình trạng “thừa hàng, dội chợ”, làm giảm giá bán của nông sản và thu nhập của người dân.
“Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh, tăng khả năng kết nối, liên kết trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời, thu hút DN, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, tạo thành những vùng nguyên liệu ổn định phục vụ nhu cầu chế biến nông sản, thực phẩm của tỉnh, thời gian tới, cùng với các cơ chế, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh cũng ban hành các chính sách hỗ trợ DN nhằm phát triển thị trường và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến nông sản; thực hiện chương trình liên kết vùng và tham gia liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết./.
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh, tăng khả năng kết nối, liên kết trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời, thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, tạo thành những vùng nguyên liệu ổn định phục vụ nhu cầu chế biến nông sản, thực phẩm của tỉnh, thời gian tới, cùng với các cơ chế, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh cũng ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến nông sản; thực hiện chương trình liên kết vùng và tham gia liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền
|
Bùi Tùng