Tỉnh Long An thực hiện Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị của vùng kinh tế trọng điểm (Ảnh Thanh Nga)
Động lực thúc đẩy tăng trưởng
Năm 2022, mặc dù hoạt động kinh tế của nước ta diễn ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm sút nhưng Long An vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,46%. Với mức tăng trưởng trên, Long An đứng thứ 6/13 các tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả này có vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và là “cú hích” cho phục hồi kinh tế của đầu tư công.
UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 9459/UBND-KTTC, ngày 12/10/2022 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao.
Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2022, Long An giải ngân đạt 8.779 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch. Để đạt kết quả này, ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung nguồn lực cho đầu tư công. Trong đó, tỉnh chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, qua đó dẫn dắt, kích hoạt nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế tư nhân và toàn xã hội. Bởi đầu tư công chính là công cụ giúp các thành phần kinh tế phục hồi và là động lực cho tăng trưởng, vừa kích cầu, vừa tạo việc làm và tạo nên kết cấu hạ tầng phục vụ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Năm 2022, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Lũy kế 11 tháng, tỉnh thành lập mới 1.613 doanh nghiệp (DN), tổng số vốn đăng ký 21.622 tỉ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15.226 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 362.731 tỉ đồng. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, đã cấp mới 89 dự án (DA), tổng vốn đăng ký mới 23.793 tỉ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.175 DA với số vốn đăng ký 221.898 tỉ đồng. Đối với đầu tư nước ngoài, tỉnh cấp mới 55 DA, vốn đầu tư cấp mới 428,8 triệu USD và có 59 DA điều chỉnh tăng 274 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.158 DA, tổng vốn 10.074 triệu USD. Trong đó, có 588 DA đưa vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.624 triệu USD. Kết quả thu hút đầu tư như trên đã khẳng định vốn đầu tư công chính là vốn mồi thu hút các DN trong và ngoài nước tham gia vào các thành phần kinh tế của tỉnh, là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.
Đầu tư công tập trung và trọng điểm
Xác định hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết trong phát triển KT-XH và liên kết vùng, tỉnh tập trung đầu tư hoàn chỉnh hàng loạt DA giao thông trọng điểm. Trong thời gian tới, Long An tiếp tục đầu tư đồng bộ các DA giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh, thành trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và các tỉnh, thành Vùng Đông Nam bộ; đồng thời, kết nối thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh. Qua đó, DN đầu tư tại Long An dễ dàng kết nối và thuận lợi trong hoạt động xuất, nhập khẩu, rút ngắn thời gian, chi phí, tăng sức cạnh tranh. Bởi mục tiêu của Long An là trở thành tỉnh phát triển công nghiệp và trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của khu vực phía Nam.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế (Ảnh: Thanh Nga)
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 công trình trọng điểm đều thuộc lĩnh vực giao thông gồm: Đường Vành đai TP.Tân An; Đường tỉnh (ĐT) 830E (nút giao cao tốc đến ĐT830) và ĐT827E (đoạn từ TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông).
DA đường Vành đai TP.Tân An có chiều dài hơn 22,35km, mặt đường rộng 33m (bao gồm mặt đường và hành lang) qua địa bàn huyện Thủ Thừa và TP.Tân An. Điểm đầu giao với ngã tư Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa), điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 1 - ĐT833, TP.Tân An. Trên địa bàn TP.Tân An, DA đường Vành đai qua các xã: Lợi Bình Nhơn, An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Nhơn Thạnh Trung, các phường: Khánh Hậu, Tân Khánh, phường 7 và phường 5. Quy mô xây dựng: 6 làn ôtô, hệ thống cầu trên tuyến, hệ thống cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng,... được chia thành 9 gói thầu do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 1.533 tỉ đồng. DA này giúp chính quyền TP.Tân An quản lý tốt cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch xây dựng, tạo ra quỹ đất để chỉnh trang và mở rộng nội thành, nâng cao mật độ đô thị. Khi đường Vành đai TP.Tân An hoàn thành sẽ là bước đệm đẩy mạnh giao thông, giao thương thuận lợi.
Nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, ĐT830E được quy hoạch xây dựng kết nối từ nút giao thông TP.HCM - Trung Lương tại huyện Bến Lức, qua địa bàn huyện Cần Đước, Cần Giuộc. Theo Sở Giao thông Vận tải, DA tách thành DA giải phóng mặt bằng và DA đầu tư xây dựng đường. Hiện nay, huyện Bến Lức đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các giải pháp bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện DA. Theo đó, khi DA hoàn thành sẽ kết nối tỉnh Long An với đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai III, IV của TP.HCM. Đồng thời, giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1 vốn đã quá tải. Đặc biệt, tuyến đường này sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào Long An, nhất ở các khu, cụm công nghiệp tại các huyện trọng điểm về kinh tế như Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc.
ĐT827E là công trình trọng điểm của tỉnh được chia thành 3 DA giải phóng mặt bằng và DA đầu tư xây dựng. Đối với 3 DA giải phóng mặt bằng, các cơ quan chức năng đang thực hiện từng thủ tục pháp lý. Đối với DA đầu tư xây dựng ĐT827E, theo Kết luận số 237-KL/TU, ngày 01/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, DA này được đầu tư theo hình thức PPP đối với tuyến đường chính. Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phạm vi và quy mô đầu tư tuyến đường trong giai đoạn 1 (sử dụng vốn đầu tư công) để bảo đảm tiến độ đề ra, sau khi có mặt bằng thi công. Các DA xây dựng còn lại, tỉnh đang cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp. Công trình trọng điểm ĐT827E sau khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông cho các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc cũng như của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Đây cũng là công trình được kỳ vọng không chỉ cho Long An mà còn cho cả khu vực Tây Nam bộ trong phát triển KT-XH.
Ngoài ra, tỉnh Long An còn thực hiện Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị của vùng kinh tế trọng điểm. Đến nay, một số công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, kích hoạt vốn đầu tư từ DN. Kỳ vọng, trong thời gian tới, đầu tư công tiếp tục góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững./.
Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, đến cuối năm 2022, Long An giải ngân đạt 8.779 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch.
|
Mai Hương