Tiếng Việt | English

25/02/2018 - 05:18

Tăng thuế môi trường với xăng dầu: gánh nặng đè lên vai người dân

Giá xăng dầu đang phải “cõng” nhiều loại thuế, phí. Nếu tiếp tục tăng thuế với xăng dầu sẽ khiến mặt bằng giá tăng, gánh nặng sẽ đè lên vai người dân.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Nếu được thông qua, từ ngày 01/7/2018, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng 1.000 đồng, lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít; với dầu diesel là 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng lên mức kịch khung 2.000 đồng/lít (kg).

Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là thuế nhập khẩu giảm, giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước lân cận, tăng nguồn thu.

Bộ Tài chính đề nghị tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng. (Ảnh minh họa: KT)

Thuế, phí chiếm khoảng 50% trong giá mỗi lít xăng

Theo thống kê, 1 lít xăng hiện phải chịu 7 loại thuế, phí như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường; chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. Tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 8.500 đồng/lít xăng. Nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức kịch khung thì xăng tăng giá sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn.

Anh Trần Văn Nghĩa (ở Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, gia đình anh có 5 xe ô tô loại 4-7 chỗ chuyên chở khách đi tuyến Hà Nội – Hải Dương và 2 xe tải chở hàng hóa thuê. Trung bình, mỗi tháng tiêu thụ hết khoảng 3.000 lít xăng.

“Nếu giá xăng tăng thì chúng tôi buộc phải tăng giá cước vì nếu không tăng giá thì chúng tôi không có lãi, mà nếu tăng giá thì cũng lại khó khăn vì giá tăng thì sức cạnh tranh cũng giảm”, anh Nghĩa nói.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), trong bối cảnh mỗi lít xăng hiện phải "cõng" rất nhiều loại thuế phí thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên mức kịch khung để tăng thu ngân sách là điều không hợp lý.

Theo ông Long, hiện nay, mỗi lít xăng đã phải "cõng" rất nhiều loại thuế phí, có lúc thuế phí chiếm gần 50% trong giá mỗi lít xăng. Hơn nữa, vấn đề khiến người dân bức xúc hiện nay là lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước chưa hợp lý, đặc biệt thuế bảo vệ môi trường.

Trên thế giới, không phải nước nào cũng đánh loại thuế này, chỉ có một số ít nước áp dụng, trong đó có Việt Nam. Việt Nam không chỉ áp loại thuế này mà còn áp ở mức ngày càng cao, theo kiểu tận thu. Điều này thực sự là không hợp lý.

“Tại sao Bộ Tài chính không so với Malaysia (cùng khu vực) nhưng giá xăng thấp hơn Việt Nam? Tại sao, Bộ Tài chính không so sánh giá xăng với Mỹ, có thu nhập cao gấp hàng chục lần Việt Nam nhưng giá xăng vẫn thấp hơn? Tại sao Bộ Tài chính chỉ so sánh với Lào, Campuchia là nước không có dầu khai thác trong khi Việt Nam có dầu thô?”, ông Long đưa ra hàng loạt câu hỏi.

Theo ông Long, trong bối cảnh tái cơ cấu cả thu chi, Bộ Tài chính tập trung vào thu là chưa đủ. Chức năng của Bộ Tài chính phải kiểm soát nguồn chi và đặt mục tiêu mỗi năm tiết giảm chi thường xuyên ít dần.

Mớ rau, quả trứng tăng giá theo

Đánh giá về tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, sẽ khiến phí vận tải tăng lên. “Mớ rau, quả trứng cũng sẽ tăng giá lên. Điều này làm tăng thêm chi phí và người dân phải gánh chịu. Vì vậy, việc tăng giá thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cần phải xem xét thận trọng”, ông Doanh nói.

Giá thuế bảo vệ môi trường của xăng tăng giá sẽ đổ gánh nặng tăng giá hàng hóa lên vai người dân (Ảnh minh họa: KT)

Cùng quan điểm, ông Ngô Trí Long cho rằng, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, tác động mạnh đến mọi mặt hàng sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng đời sống người dân. Trong bối cảnh hiện nay, năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm trong nước yếu, nếu đánh thuế bảo vệ môi trường cao như vậy thì chắc chắn sẽ tác động đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp, vì xăng dầu là loại vật tư rất quan trọng đối với mọi ngành trong nền kinh tế quốc dân.

“Vô hình chung khi đánh thuế môi trường cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi khả năng cạnh tranh của họ còn rất yếu. Ngoài ra cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, mặc dù hiện thu nhập bình quân của nước ta đã ở ngưỡng trung bình nhưng vẫn là mức trung bình thấp của thế giới. Nếu đánh thuế trong khi mức sống của người dân còn thấp là điều không nên", ông Long nói.

Bản thân ông Long cũng không đồng tình với việc tăng thuế phí để tháo gỡ khó khăn cho ngân sách. Theo ông, thuế là một công cụ rất quan trọng, đó là kích thích hoặc hạn chế sản xuất. Nếu dùng thuế để tăng nguồn thu thì đây là một quan điểm đi trái với sự phát triển của ngành thuế.

“Theo tính toán của Bộ Tài chính, tăng giá thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ không khiến mặt bằng giá tăng lên nhiều và không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo (vì họ đã có chính sách an sinh xã hội). Nhưng đây mới là lý thuyết do Bộ Tài chính dự báo và chưa toàn diện các mặt tác động. Cần để thực tế trả lời về hệ lụy của việc tăng giá này”, ông Long cho biết.

Nhắc lại câu chuyện trước đây, khi Bộ tài chính đề xuất tăng thuế môi trường của xăng dầu từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, đề xuất tăng, giá xăng dầu có tăng không? Lãnh đạo Bộ Tài chính trả lời không tăng giá, nhưng trong thực tế, tăng thuế bảo vệ môi trường khiến giá xăng dầu tăng ngay.

“Trong 2 năm qua, nước ta kiểm soát lạm phát nhờ giá xăng dầu giảm mạnh. Nếu tăng giá xăng sẽ khiến lạm phát tăng lên. Tôi cho rằng, Bộ Tài chính nên thận trọng, tìm phương án khác thay thế phương án tăng thuế môi trường cho xăng dầu”, ông Long kiến nghị./.

Cẩm Tú/VOV.VN

Chia sẻ bài viết