Tiếng Việt | English

20/02/2025 - 10:38

Người chăn nuôi tập trung tái đàn sau tết

Thời điểm này, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An tập trung tái đàn vật nuôi sau tết. Việc tái đàn nhằm bảo đảm duy trì ổn định hoạt động chăn nuôi và nguồn cung thực phẩm cho thị trường.

Người chăn nuôi chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh bảo vệ đàn vật nuôi

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có hơn 62.370 hộ/cơ sở chăn nuôi. Trong đó, có 1.022 trang trại (chiếm 1,6%), còn lại là chăn nuôi nông hộ. Hiện nay, các trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh đã sẵn sàng các điều kiện tái đàn để phục vụ thị trường.

Vừa xuất bán hơn 1.000 con gà dịp tết vừa qua, hiện nay, gia đình anh Huỳnh Minh Thành (xã Phước Đông, huyện Cần Đước) chuẩn bị tái đàn.

Anh Thành cho biết: “Sau tết, gia đình tôi chủ động vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tái đàn. Gia đình tôi đặt mua gà giống ở cơ sở uy tín, được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh và sẽ được nuôi cách ly 2 tuần tại khu vực nuôi riêng trước khi thả vào chuồng nuôi chính. Thời điểm này, giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao nên tôi vừa tăng đàn, vừa theo dõi tình hình thị trường, hạn chế những rủi ro và nguy cơ thua lỗ”.

Bà Nguyễn Thị Nhỏ (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) cũng đang tập trung vệ sinh chuồng trại chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Theo bà Nhỏ, hiện nay, giá heo ở mức từ 6,9-7,2 triệu đồng/tạ, người chăn nuôi nhỏ, lẻ có lợi nhuận trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/con. Do đó, sau khi xuất bán 20 con heo dịp tết, gia đình bà quyết định xây dựng thêm chuồng nuôi để tăng đàn.

Hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường, không khí lạnh kèm theo sương mù, nhiệt độ không khí cao,... là nguyên nhân gây ra một số bệnh trên đàn vật nuôi như tụ huyết trùng, lở mồm long móng trên đàn gia súc, cúm gia cầm. Do đó, khi tái đàn, các hộ chăn nuôi trong tỉnh cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Cường (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) chia sẻ: "Kinh tế của gia đình tôi phụ thuộc hoàn toàn vào chăn nuôi nên bảo vệ đàn vật nuôi trước diễn biến bất thường của thời tiết luôn được quan tâm. Theo đó, tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột ở lối ra/vào trại nuôi; phun hóa chất khử trùng, tiêu độc 1 lần/tuần để loại bỏ nguy cơ gây bệnh tại các chuồng nuôi. Ðồng thời, tôi tiêm đầy đủ các loại vắc-xin, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho đàn heo".

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh khuyến cáo: Thời tiết sau tết diễn biến khá phức tạp, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn là điều kiện để các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát. Do đó, cùng với tái đàn, phát triển chăn nuôi, người dân cần chủ động, tích cực theo dõi, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được hướng dẫn và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngoài ra, các địa phương cần chủ động giám sát dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là tại các khu vực từng xảy ra dịch, khu vực có nguy cơ cao; tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tác hại của dịch bệnh, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh,... để người chăn nuôi nâng cao ý thức phòng ngừa cho đàn vật nuôi./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết