Tiếng Việt | English

11/11/2020 - 17:45

Tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo phát triển kinh tế

Gắn với công tác giảm nghèo bền vững, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã hỗ trợ người dân thực hiện mô hình dê sinh sản. Đây là Đề án mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2022 của huyện. Qua đó, giúp hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống gia đình.

Mô hình nuôi dê sinh sản tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tại xã Tân Đông phát triển kinh tế

Những năm qua, xã Tân Đông đẩy mạnh công tác hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng đất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc triển khai mô hình Nuôi dê sinh sản sẽ giúp người dân chủ động trong chăn nuôi, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, từng bước phát triển kinh tế gia đình và góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Theo chân lãnh đạo địa phương, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lưu Văn Non, ngụ ấp 4 - một trong những hộ được hỗ trợ dê giống từ Chương trình Giảm nghèo bền vững của huyện.

Gia đình muốn phát triển mô hình nuôi dê đã lâu nhưng không có điều kiện mua dê giống về nuôi. Tôi rất vui khi được chính quyền địa phương xét hỗ trợ dê giống. Trong số 3 con dê thì có 2 con cái và trong đó có 1 con đang mang thai. Tôi sẽ chăm sóc thật tốt để dê khỏe mạnh, sinh sản tốt nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình” - anh Lưu Văn Non cho biết.

Được biết, trước khi đi nhận dê giống, gia đình anh ngoài làm chuồng, còn cắt cỏ để sẵn, khi dê về đến nhà là cho ăn liền. Thành viên gia đình anh cũng thường xuyên tìm hiểu về cách cho ăn, phòng và điều trị bệnh cho dê.

Nhận 3 con dê giống về nhà để thực hiện mô hình thoát nghèo, gia đình anh Lê Phước Mót vui mừng và cố gắng chăm sóc để sau 3 năm sẽ bàn giao lại vốn đúng như hợp đồng ký kết. Anh Lê Phước Mót chia sẻ: “Trước khi nhận con giống, gia đình đầu tư chuồng nuôi bảo đảm thông thoáng, không bị nắng nóng, mưa tạt, gió lùa,... Qua tìm hiểu, tôi biết dê là loài mắn đẻ, dễ nuôi, ít tốn công, thu hồi vốn nhanh. Để dê phát triển khỏe mạnh, ngoài quan tâm, chăm sóc, gia đình còn chú trọng nguồn thức ăn phong phú”.

Toàn xã có 34 hộ nghèo, 86 hộ cận nghèo. Trong đó, có 7 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo được hỗ trợ triển khai đề án thực hiện mô hình giảm nghèo, mỗi hộ 3 con dê sinh sản với tổng vốn 12 triệu đồng. Trong 3 năm, hộ dân sẽ hoàn lại vốn cho ngân sách nhà nước 30% (70% là hỗ trợ cho người dân). Hiện hầu hết số dê trao cho các hộ dân đều khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt và nhiều con đang mang thai, giúp các hộ dân tăng số lượng đàn thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông - Huỳnh Nông Nghiệp cho biết: “Dê được đánh giá là vật nuôi có sức đề kháng khá tốt, nhưng nếu không chú ý làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, nắm chắc và thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh thì dê vẫn dễ dàng bị mắc một số bệnh như viêm phổi, đầy bụng,... Chúng tôi đã liên hệ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng và điều trị bệnh. Qua đó, giúp người dân nâng cao kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, từng bước tăng năng suất và chất lượng, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách phù hợp giúp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Trong đó, mô hình Nuôi dê sinh sản mang ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tại xã Tân Đông bước đầu phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết