Tiếng Việt | English

30/10/2024 - 20:07

Tập trung chăm sóc cây trồng bị ảnh hưởng ngập lũ trên địa bàn tỉnh  

Lũ kết hợp triều cường, mưa lớn đang gây ngập một số diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, nhất là đợt ngập từ ngày 21 đến 22/10/2024. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản về việc Chăm sóc cây trồng bị ảnh hưởng ngập lũ trên địa bàn tỉnh.

Gia cố đê bao bảo vệ lúa (ảnh: Văn Đát)

Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại đối với lúa và các cây trồng, bảo đảm kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã khẩn trương thực hiện một số nội dung với cây trồng.

Cụ thể, đối với những ruộng lúa mới sạ, bị ngập nặng thì khẩn trương tiêu thoát nước ra khỏi ruộng. Kiểm tra bộ rễ, thân lá cây lúa xem có bị thối không. Nếu thấy rễ lúa có màu trắng hoặc trắng hơi vàng, thân mềm, lá mềm nhưng chưa bị thối thì không nên rút cạn nước, mà để mực nước từ 1-3cm, sau 3-5 ngày cây lúa sẽ hồi phục.

Đối với những diện tích lúa bị ngập úng nặng, không có khả năng cho thu hoạch: Cần tập trung nguồn lực tiêu úng, chờ nước rút toàn bộ, vệ sinh đồng ruộng thật kỹ để sạ lại đợt 2 theo khung thời vụ gieo sạ vụ Đông Xuân 2024-2025. Ngoài ra, có thể khuyến cáo chuyển đổi sang gieo trồng cây rau màu, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương.

Tùy theo giai đoạn lúa và mức độ thiệt hại do ngập úng mà có những giải pháp khuyến cáo hợp lý.

Nếu lúa bị ngập úng dài ngày, cần tháo nước chống úng. Sau khi rút nước, sử dụng phân bón có tác dụng kích thích rễ mới ra, làm giảm ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ trên lúa, giúp lúa mau đẻ nhánh. Sử dụng phân bón gốc (để rải) hoặc phân bón qua lá (để phun).

Kiểm tra sau khi phun từ 4-5 ngày, nếu rễ mới chưa ra thì bón phân lần 2. Khi bón phân từ 7-10 ngày, thấy cây lúa ra thêm được lá non, gốc lúa ra nhiều rễ mới màu trắng, thì bón thúc phân hóa học. Sử dụng các loại phân bón dễ hòa tan, dễ hấp thu như phân lân (DAP), đạm (urê), trộn với phân có chứa kali, silic,… để giúp cây lúa hồi phục nhanh, đẻ nhánh khỏe. Khi lúa đẻ nhánh rộ thì dặm sớm để tăng số chồi hữu hiệu, tăng số bông, tăng năng suất lúa.

Cần lưu ý: Tuyệt đối không bón đạm hay phân hỗn hợp NPK ngay sau khi nước rút. Xử lý bằng một trong các loại phân bón lá, nếu thấy lúa ra lá non và rễ mới thì mới bón phân trở lại.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo tình hình phát sinh sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng, trừ kịp thời, hiệu quả.

Đối với cây rau màu, cần khuyến cáo nông dân thu hoạch kịp thời diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra; đồng thời, chủ động khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng rau màu mới gieo trồng, chưa đến thời kỳ thu hoạch.

Khẩn trương tháo cạn nước mặt ruộng, tạo điều kiện thông thoáng, hạn chế sâu, bệnh hại phát sinh, phát triển; vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng,… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK;...

Đối với cây ăn trái, chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch nhanh, gọn khi đã đủ tuổi thu hoạch; đồng thời, chỉ đạo người dân tiến hành cắt, tỉa tán, vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn cây; cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế bị ngã.

Ruộng dưa hấu bị ngập úng, thiệt hại hoàn toàn (ảnh: Minh Tuệ)

Sau bão, lũ, ngập úng cần khẩn trương đào mương để thoát nước, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây.

Đối với những vườn cây đang đậu trái non hoặc trái trong giai đoạn phát triển: Phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn,... giảm thiểu tối đa hiện tượng nứt, rụng quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND cấp xã theo dõi sát diễn biến tình hình mực nước lũ, triều cường, tăng cường lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao có cao trình thấp, xung yếu, chưa khép kín bờ bao nhằm bảo vệ an toàn diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng ngập lũ.

Đồng thời, theo dõi tình hình sâu, bệnh hại có thể phát sinh sau ngập để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết