Sau dịch bệnh, giá tôm tăng
Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh thả nuôi 550ha tôm, trong đó tôm sú 48ha; tôm thẻ chân trắng 502ha, bằng 8,5% kế hoạch năm (6.455ha) và bằng 107,8% so cùng kỳ. Diện tích tôm đã thu hoạch 245ha; năng suất bình quân 3 tấn/ha với tổng sản lượng 740,7 tấn, đạt 4,7% kế hoạch, bằng 115,7% so cùng kỳ. Ngành chuyên môn khuyến cáo người nuôi cần thả tôm với mật độ phù hợp để đạt kích cỡ lớn, áp dụng các mô hình nuôi tốt để tôm đạt chất lượng cao, quan trọng là thực hiện nghiêm việc không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi.
Nông dân cần chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh trên tôm
Nhận định về sự phục hồi của con tôm sau đợt cao điểm của dịch bệnh Covid-19, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết, do giá tôm tăng cao, có thời điểm lên đến 180.000 đồng/kg (loại 40 con) nên người dân tập trung thả nuôi. Tại huyện Cần Đước, hiện nay, phần lớn người nuôi tôm đang vệ sinh ao nuôi, chuẩn bị sản xuất vụ mới. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất phù hợp với thực tiễn của địa phương. “Chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp huyện trong năm 2022 là thả nuôi 1.400ha tôm, sản lượng theo kế hoạch là 4.500 tấn. Trong đó, tập trung mở rộng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp huyện sẽ phối hợp ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường kiểm tra nguồn giống, thức ăn thủy sản để người dân an tâm sản xuất” - ông Chương cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Bình (ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Đợt dịch vừa rồi, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do đầu ra của con tôm bấp bênh. Tuy nhiên, sau khi các chợ đầu mối hoạt động trở lại thì giá tôm đã tăng cao, người nuôi mạnh dạn thả nuôi trở lại. Hiện gia đình tôi có 2 ao tôm, 1 ao chuẩn bị thả nuôi và 1 ao được 45 ngày tuổi, khoảng 10 ngày nữa sẽ xuất bán. Hy vọng giá tôm sẽ ổn định”.
Hy vọng vụ mùa bội thu
Theo nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, thông thường, vào những tháng cuối năm, giá tôm tăng cao nên người nuôi hy vọng vào một mùa bội thu. Từ giữa tháng 10 Âm lịch, anh Nguyễn Thành Ân (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) đã bắt đầu thả nuôi tôm vụ tết với diện tích 1,2ha. Hiện nay, anh tập trung chăm sóc cho tôm đạt tiêu chuẩn về trọng lượng cũng như chất lượng để kịp thu hoạch vào những ngày cận tết.
Nông dân chăm sóc tôm vụ tết
Theo anh Ân, giá tôm thẻ trên thị trường đang ở mức cao, cụ thể cỡ khoảng 40 con/kg, giá từ 165.000-175.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg, giá từ 107.000-120.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi có lãi từ 30.000-90.000 đồng/kg, tùy kích cỡ tôm. Nếu vụ nuôi thuận lợi, dự kiến gia đình anh sẽ có khoảng 12-15 tấn tôm phục vụ thị trường tết. “Với điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay, tôi rất phấn khởi và trông chờ vào vụ nuôi này. Hy vọng từ giờ đến lúc thu hoạch, giá tôm ổn định để người nuôi tôm chúng tôi có cái tết trọn vẹn” - anh Ân chia sẻ. Ông Mai Văn Bảnh (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) cho biết, để vụ nuôi được thuận lợi, ông đã cẩn thận xử lý các khâu đầu vào, nhất là đáy ao, vệ sinh kỹ, rải vôi để khử trùng bờ, chống phèn thấm xuống ao trước khi thả giống. “Chúng tôi đang trông chờ vào vụ tết để bù lại đợt dịch vừa qua khiến giá tôm giảm sâu, không tiêu thụ được. Hy vọng vụ này thời tiết thuận lợi, được mùa, được giá để nông dân yên tâm sản xuất và có vốn tái đầu tư cho vụ nuôi tiếp theo” - ông Bảnh bộc bạch.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn, để vụ nuôi đạt năng suất và sản lượng cao trong dịp tết, người nuôi tôm cần tuân thủ lịch mùa vụ. Đây là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn khiến tôm bị thay đổi môi trường nước đột ngột, gây sốc làm phát sinh một số bệnh trên tôm. Ngoài ra, môi trường nước cũng phát sinh một số loại tảo, vi sinh vật gây bất lợi cho tôm. Do đó, người nuôi cần chú ý luôn giữ ổn định nước, thường xuyên theo dõi để khi có sự cố bất thường nhanh chóng xử lý kịp thời. Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo người nuôi nên thả mật độ vừa phải, không quá dày. Khi có hiện tượng mưa lớn xảy ra, cần cân bằng độ pH trong ao, rải vôi xung quanh khu vực ao, tăng cường quạt nước oxy,... nhằm tránh nước phân tầng gây thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi.
“Bên cạnh chú trọng các giải pháp nuôi, Chi cục cũng khuyến cáo người nuôi cần chủ động các phương án để đối phó với môi trường bất lợi có thể xảy ra trong quá trình nuôi tôm; đồng thời, khuyến khích người nuôi tôm chuyển đổi phương pháp nuôi tôm từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất và đạt lợi nhuận cao hơn” - ông Toàn cho biết./.
Bùi Tùng