Tiếng Việt | English

01/02/2021 - 14:20

Tết xưa trong ký ức của người cao tuổi

Trong tâm thức của người cao tuổi, ngày xưa mặc dù thiếu thốn nhưng tết lại rất vui và háo hức. Tết Cổ truyền trong ký ức của người xưa là một điều rất thiêng liêng và đơn giản là “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Việc dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ bàn thờ gia tiên được các gia đình thực hiện chu đáo, cẩn thận

Việc dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ bàn thờ gia tiên được các gia đình thực hiện chu đáo, cẩn thận

Trong ký ức của bà Phạm Thị Nguyệt, 64 tuổi, ngụ ấp 2, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An thì tết xưa khá mộc mạc, đơn sơ nhưng rất ấm cúng. Trẻ em, người lớn ngày xưa rất háo hức mỗi khi tết đến, xuân về. Ngày 27, 28 tháng Chạp thì nhà nhà, người người đã tươm tất mọi việc và cùng nhau đi phiên chợ tết ngày 29. Thời xưa, hình ảnh cây nêu là biểu tượng thiêng liêng gắn liền với ngày Tết Nguyên đán. Khi ấy, nếu nhà nào chưa dựng cây nêu là chưa có không khí tết. Phong tục này với ý nghĩa là xua đuổi đi những điều xấu. Những ngọn nêu vươn cao trong nắng gió là cầu mong cho một năm mới bội thu, nhiều may mắn.

Bà Nguyệt chia sẻ, theo thăng trầm thời gian, cuộc sống thay đổi nên Tết Nguyên đán ngày nay cũng có sự đổi thay nhưng vẫn là ngày lễ cổ truyền nhộn nhịp nhất của người Việt với nhiều phong tục được lưu truyền từ bao đời để lại. Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người người, nhà nhà lại cúng tiễn đưa ông Táo về chầu trời một cách nghiêm trang, chu đáo. Việc này từ lâu đã trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hóa của bao thế hệ người Việt, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng. Những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo để được nhẹ đi trong năm mới.

Các gia đình thực hiện nghi thức tảo mộ rầm rộ nhất là từ 20 đến 25 tháng Chạp cho đến hết năm. Phong tục này thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên. Việc dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ và bày biện mâm ngũ quả, bình hoa vạn thọ hoặc hoa mai trên bàn thờ gia tiên cũng được các gia đình chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận trước thời điểm giao thừa. Đến ngày 30 tết là ngày rước ông bà, lúc này, con cháu sum họp đông đủ, cùng nhau ngồi ăn một bữa tất niên, thể hiện sự đoàn kết, yêu thương và mong một năm mới làm ăn thuận lợi, no ấm, đủ đầy hơn. Sau khi cúng giao thừa chính là phong tục xông đất, hái lộc đầu năm, lì xì, các con cháu lần lượt mừng tuổi, chúc sức khỏe đến ông bà, cha mẹ. Các thành viên của gia đình cũng chúc nhau một năm mới thuận buồm xuôi gió, may mắn và hạnh phúc.

Còn trong ký ức của bà Phạm Thị Bốn, SN 1947, ngụ ấp 3, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, ngày xưa, còn trẻ nên khi nghe tết đến mừng lắm vì sẽ là lúc được mặc quần áo mới, được nhận lì xì và được ăn các loại bánh, mứt ngon mà trong năm không có dịp. Tiền lì xì ngày đó không nhiều như bây giờ. Ngày đó chỉ có tờ 100 đồng hoặc 200 đồng mới toanh, đưa trực tiếp chứ không gói lại trong bao lì xì, 100 đồng thời đó mua được rất nhiều bánh, kẹo. Có lẽ, cuộc đời đẹp nhất là tuổi thơ và tuổi thơ vui nhất mỗi lúc tết về.

Bà Phạm Thị Bốn tuốt lá mai để cho ra hoa đúng dịp Tết

Bà Phạm Thị Bốn tuốt lá mai để cho ra hoa đúng dịp Tết

Tết hiện lên trong ký ức bà Bốn còn là không khí sum vầy cùng gia đình, là hình ảnh cả nhà quây quần bên nồi bánh tét và bếp lửa hồng. Ngày xưa chưa có luật cấm đốt pháo nên nhà ai cũng có 1 cuộn pháo treo trước cổng nhà. Đúng thời khắc giao thừa, những tràng pháo sẽ đồng loạt nổ vang, báo hiệu năm mới đã đến. Sáng mùng 1 bước ra, xác pháo đỏ cả mặt đường như cái lộc của đất trời để lại.

Bà Bốn chia sẻ: “Tết xưa ai cũng dư dả thời gian, con, cháu tham gia cùng người thân mua từng nhành mai hay đôi câu đối để trang hoàng nhà cửa và tự tay chuẩn bị những món ăn truyền thống như làm bánh, mứt, làm dưa cải, dưa kiệu, gói bánh tét,... Ngày nay, con cháu bận nhiều việc nên việc chuẩn bị đón tết đơn giản hơn xưa rất nhiều, vì mọi thứ đều được bán ở chợ, siêu thị hoặc tại các cửa hàng tiện ích. Có lẽ vì của cải dư thừa, vật chất đủ đầy nên tết nay không còn rộn ràng như tết xưa. Ngày nay, dường như ngày nào cũng là tết, bởi ngày nào cũng có mâm cao cỗ đầy nên việc háo hức ngày tết được ăn ngon, mặc đẹp đã không còn. Những nét tết xưa cũng bị nhạt dần như chuyện mổ thịt heo chia nhau, hay việc cả xóm cùng nhau ăn mừng ngày tết, cùng kéo nhau đi chúc tết từng nhà đã
không còn”.

Tết xưa trong ký ức những người cao tuổi là thế, mộc mạc, đơn sơ nhưng thân thương, gần gũi đến lạ. Tết xưa tuy nghèo khó mà đầy ắp yêu thương bên người thân, gia đình và ấm nồng tình làng, nghĩa xóm./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích