Rắn lục
Hôm ấy, sau tour du lịch sinh thái miền Tây, trên đường về chúng tôi ghé tham quan Trại rắn Đồng Tâm.
Nơi đây vốn là căn cứ quân sự Đồng Tâm của địch đầy bom mìn, kẽm gai và hầm hố công sự. Năm 1981, chúng tôi đến thì ngoài tên Trại rắn Đồng Tâm (thành lập cuối năm 1977)- người dân thường gọi là Trại rắn Ông Tư Dược. Ông Tư Dược là bác sĩ quân y, hàm thiếu tá (sau này là đại tá) tính tình hào phóng, sáng lập và làm“chủ trại”, trực thuộc Quân khu 9. Lúc đó cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, rắn độc để làm thuốc thường được nuôi trong cái ô vuông nhỏ bằng gạch âm xuống đất, có nắp bằng lưới thép đậy lên trên. Có bãi cỏ rộng mênh mông được rào kỹ và thả đủ loại rắn độc lẫn không độc để nuôi hoang dã. Chúng tự sản tự sinh. Người ta bảo, chỉ có ông Tư Dược mới dám bước vào trong đó, vì ông có “thần dược” trị rắn độc cắn. Còn bây giờ thì cơ ngơi trại đã có quy mô rộng lớn - diện tích 15ha. Các công trình nhà xưởng, kho tàng,… đều khang trang. Hiện nay, Trại rắn Đồng Tâm là một bộ phận rất quan trọng của Trung tâm Nuôi trồng - Nghiên cứu - Chế biến Dược liệu Quân khu 9 - một cơ sở nuôi trồng, bảo tồn, nghiên cứu và sản xuất chế biến thuốc y học cổ truyền dân tộc, cấp cứu điều trị rắn độc cắn cho Quân khu 9 và cho cả nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (mùa lũ lụt nào cũng có nhiều người dân bị rắn độc cắn đưa tới đây cấp cứu và chữa trị).
Rượu rắn hổ mang chúa (trong uống ngoài thoa, trị bệnh về xương khớp)
Ngay từ cổng vào đã thấy các dãy quầy bán hàng lưu niệm và các loại đặc sản của trung tâm. Nhiều nhất là các chai, hũ, lọ dược liệu và thuốc cao đơn hoàn tán chế biến từ rắn. Có quầy trưng bày toàn bình thủy tinh rượu rắn ngâm rắn hổ chúa nguyên con mà con nào cũng bành mang to hơn bàn tay xòe, cất đầu lên cao.
Rất nhiều hồ, bể bêtông âm xuống đất, dưới đáy là cả “vương quốc” của các loài rắn khu trú trong những ngóc ngách, hang hốc nhân tạo. Khi nhân viên trung tâm cầm sào quơ nhẹ lên các nhánh cây tức thì họ hàng nhà rắn bò ra, cất đầu “chào” du khách! Rất nhiều lồng sắt, lồng thủy tinh nuôi nhốt các loài rắn độc. Có nhà bảo tàng rắn với các dãy kệ trưng bày đủ loài rắn ướp hóa chất để giữ nguyên màu sắc và cả trăn, rắn còn sống trong lồng kính cho khách tham quan.
Bé Tomoka 10 tuổi, đến từ Nhật Bản mới dạn dĩ làm sao. Bé cứ xăm xăm đến trước từng lồng nuôi hổ mang chúa. Trong “vương quốc” rắn, hổ mang chúa là chúa tể. Nó có thể nặng tới 20kg và dài 5-6m hay hơn nữa, nọc cực độc; không có nọc loài rắn độc nào sánh nổi hổ mang chúa. Hổ mang chúa hiện có tên trong sách đỏ, cấm săn bắt!
Tại trung tâm, mỗi năm cấp cứu và chữa trị cho khoảng 500-600 ca bị rắn cắn mà trong đó quá 50% là rắn độc. Chỉ trừ những ca để quá chậm, lại không được sơ cấp cứu trước, còn những ca được sơ cấp cứu trước và đưa tới sớm thì tỷ lệ chữa khỏi là 100%.
Theo chân nhân viên trại rắn, chúng tôi đến khu nuôi rắn hoang dã và khu nuôi rắn bán tự nhiên. Có khu đất trồng cây ăn trái đặt cả trăm lồng sắt lộ thiên thả rắn vào nuôi, có khu nuôi trăn, khu trồng cây thuốc nam, nuôi đà điểu,…
Nếu được đầu tư thêm đa dạng cây trồng, vật nuôi, tôn tạo cảnh quan và tạo nguồn dược liệu phong phú hơn nữa cho y học dân tộc, chắc chắn Trại rắn Đồng Tâm hứa hẹn sẽ là khu du lịch sinh thái thu hút mạnh mẽ du khách./.
Quang Hảo