Tiếng Việt | English

10/04/2025 - 08:57

Tháng tư về thăm 'địa chỉ đỏ'

Tháng tư, chúng tôi tháp tùng cùng đoàn làm phim điện ảnh Quân đội nhân dân, Tổng cục Chính trị về thăm Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Đây là 1 trong 3 căn cứ địa quan trọng của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Nam Bộ.

Cán bộ, chiến sĩ tham quan khu trưng bày tại khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ

Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ là nơi các đồng chí: Lê Duẫn, Tôn Đức Thắng, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Bình, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Trà từng hoạt động cách mạng. Đây cũng là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng miền Nam trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Bây giờ, đến thăm khu di tích, thoảng trong hương hoa sen, hoa sứ thơm dìu dịu, dưới những tán cây xanh là những ngôi nhà đơn sơ được phục dựng, khu trưng bày như những “chứng nhân” nhắc nhớ về quá khứ hào hùng của thế hệ cha ông.

Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh - Hà Hải Ngọc cho biết: “Là người con của quê hương Tân Thạnh anh hùng, tôi không ngừng phát huy truyền thống, tôi rèn bản lĩnh, tham mưu xây dựng lực lượng vũ trang xã vững mạnh, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”.

Nơi đây còn ghi dấu sự kiện ra đời của điện ảnh Nam Bộ vào ngày 16/10/1947 với tên gọi Tổ nhiếp ảnh Vệ quốc đoàn Khu 8. Những cán bộ đầu tiên như Khương Mễ, Mai Lộc, Lê Hưng,... được cách mạng mốc nối từ Sài Gòn đưa vào chiến khu. Tuy phương tiện, máy móc, phim nhựa còn thiếu thốn, khó khăn nhưng các anh đã nghiên cứu sách, báo, tài liệu của nước ngoài để lắp ráp máy quay phim, chiếu phim, tráng phim và theo sát trận địa để quay những thước phim tư liệu quý giá, đầu tiên là phim Trận Mộc Hóa (tháng 8/1948).

Ngày 28/12/1948, tại Câu lạc bộ Quân nhân Khu 8 bên bờ kinh Dương Văn Dương, đồng bào Đồng Tháp Mười được xem bộ phim tài liệu hoàn chỉnh về trận Mộc Hóa để chào mừng Hội nghị của Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ. Có thể nói, ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam được khai sinh ở căn cứ Đồng Tháp Mười với bộ phim Trận Mộc Hóa.

Nơi đây còn ra đời những bức tranh giá trị của các họa sĩ nổi tiếng như tranh Trận Tầm Vu của họa sĩ Nguyễn Hiêm, đoạt giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1956, giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 1984, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 1996.

Tranh Trận Tầm Vu của họa sĩ Nguyễn Hiêm tại khu trưng bày

Họa sĩ Diệp Minh Châu, tại chiến khu miền Nam, được đi theo những đơn vị Vệ quốc đoàn, đến nhiều nơi như Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc và vùng Đồng Tháp Mười nên những tác phẩm của ông thời kỳ này phản ánh một cách sinh động không khí kháng chiến của vùng đất Nam Bộ.

Từ phong cảnh thiên nhiên, lao động, sản xuất, xung phong đến những chiến sĩ du kích miền Nam đầy khí thế, tinh thần quyết thắng. Những sắc nét ấy được ông thổi vào các tác phẩm: Phong cảnh Đồng Tháp Mười, Lớp học bình dân trong lán ven rừng, Qua rừng lá, Du kích qua làng, Chiến sĩ rẽ lau,...

Và trong số những ký họa vẽ ngay trên trận địa còn vương khói thuốc súng, đáng chú ý là bức Chiến sĩ Lê Hồng Sơn hy sinh lúc xung phong được ông vẽ bằng chính máu của người chiến sĩ ấy. Đặc biệt, bức tranh Bác Hồ và 3 cháu thiếu nhi Bắc - Trung - Nam được ông vẽ bằng chính những giọt máu của mình trong cảnh tưng bừng của Ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02-9 khi nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

Thượng úy Nguyễn Đức Tú của Đoàn làm phim điện ảnh Quân đội nhân dân, chia sẻ: “Được trở về Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ ở mảnh đất phương Nam, về thăm cái nôi của điện ảnh Nam Bộ, thế hệ chúng tôi vô cùng tự hào và xúc động. Và tại nơi đây, chúng tôi sẽ có những thước phim quý giá góp vào thành công của phim tài liệu mà đơn vị đang thực hiện”.

Với thế hệ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, về thăm “địa chỉ đỏ” Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ để hiểu hơn những sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra nơi đây, những đồng chí cán bộ của Đảng và các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng từng sống, hoạt động tại đây để lãnh đạo phong trào kháng chiến với những chiến công vang dội, về để biết nơi thành lập Đài Phát thanh Nam Bộ đầu tiên, nơi ra đời phim tài liệu đầu tiên của nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Về đây, mỗi người được trang bị thêm kiến thức lịch sử, khơi dậy niềm tự hào, lòng tri ân sâu sắc, qua đó hun đúc tinh thần trách nhiệm trong công cuộc xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Vân Anh

Chia sẻ bài viết