Tiếng Việt | English

10/03/2021 - 08:04

Thầy, cô giáo phải nêu gương cho học sinh

Mấy ngày qua, vụ việc cô giáo chủ nhiệm lớp 9A6, Trường THCS Ngư Lộc (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) thấy các học sinh của mình uống bia nhưng không ngăn cản mà còn uống cùng các em rồi quay clip đăng lên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận. Bởi hành động này của cô giáo là không đúng, không mang tính giáo dục khi không ngăn cản học sinh uống bia mà còn cổ xúy.

Bác Hồ lúc sinh thời đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp “trồng người” - đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau. Trong công tác giáo dục, Người rất coi trọng đến “nêu gương”. Bác đã nhiều lần căn dặn giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Vì vậy, để giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, trước hết là những người làm công tác giáo dục và cán bộ, đảng viên phải luôn nêu gương về đạo đức.

Trong nhà trường, việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh, sinh viên được thực hiện dưới nhiều hình thức: Giáo dục thông qua lồng ghép một số môn học, tiết học, các hoạt động xã hội, giáo dục truyền thống, giáo dục ngoại khóa,... Song, giáo dục bằng cách nêu gương là phương pháp hiệu quả nhất. Bởi lẽ, thầy, cô giáo “nhất cử, nhất động” đều ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, sinh viên từ lời ăn tiếng nói, tác phong, thái độ cư xử cho đến lối sống hàng ngày. Trong bức thư gửi đồng chí Pê-tơ-rốp - Tổng Thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (năm 1924), Bác Hồ đã viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Các thế hệ học sinh, sinh viên cũng vậy, các em sẽ hình thành, phát huy những phẩm chất tốt, lối sống đẹp từ sự nêu gương sáng của thầy, cô.

Muốn phát huy ưu thế, hiệu quả của phương thức giáo dục nêu gương, trước hết, ngành Giáo dục và Đào tạo phải bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ nhà giáo về tư tưởng chính trị, đạo đức, quy định của ngành cũng như trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng và thực hiện nề nếp, kỷ cương trường học; đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học, sáng tạo”; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và rèn luyện đạo đức cho học sinh, sinh viên; kết hợp chặt chẽ 3 môi trường giáo dục: “Nhà trường - gia đình và xã hội”. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo phải nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức; nêu cao vai trò gương mẫu về đạo đức, lối sống, có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự người thầy; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những việc nhỏ nhất, gắn với công việc chuyên môn.

Với truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta, giáo viên luôn được coi trọng. Người thầy là một hình tượng mẫu mực. Không những mang đến cho học sinh, sinh viên tri thức, thầy, cô giáo còn là những “kỹ sư tâm hồn” góp phần “xây” nhân cách, lối sống cho học sinh, sinh viên. Giáo viên, qua từng bài giảng, hành động hàng ngày của mình đã và đang nuôi dưỡng nhân cách học sinh, sinh viên. Vì vậy, mỗi thầy, cô giáo phải luôn luyện đức, rèn tài để trở thành tấm gương sáng về đạo đức cho học sinh, sinh viên noi theo./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích