Tiếng Việt | English

27/11/2020 - 14:50

Thế giới chuẩn bị đón nhận vaccine ngừa Covid-19 đầy tiềm năng

Cơ quan Dược phẩm châu Âu mới đây cho biết có thể sẽ cấp phép những lô vaccine Covid-19 đầu tiên vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.

Một năm sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 xuất hiện, lây lan trên toàn cầu, nỗ lực sản xuất vaccine phòng bệnh đã có những đột phá, với một loạt vaccine đầy tiềm năng sắp được công bố. Trong bối cảnh đó, một lần nữa dư luận lại đặt ra vấn đề phân phối công bằng vaccine nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.


Ảnh minh họa: AFP.

Ngay sau những tín hiệu tích cực về những loại vaccine có hiệu quả lên đến 90% của các các hãng dược phẩm lớn trên thế giới như Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca…. được công bố, nhiều nước giàu đã nhanh chóng xúc tiến hàng loạt hợp đồng mua hàng triệu liều vaccine, chuẩn bị cho kế hoạch tiêm phòng vaccine trên diện rộng.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu mới đây cho biết, có thể sẽ cấp phép những lô vaccine Covid-19 đầu tiên vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Trên cơ sở này, nhiều nước thành viên EU đã nhanh chóng lên kế hoạch tiêm chủng toàn diện. Chỉ cách đây vài ngày, chính phủ Tây Ban Nha –nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ hai Tây Âu - tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm phòng Covid-19 toàn diện ngay từ tháng 1/2021 và dự kiến sẽ bao phủ một phần đáng kể dân số của nước này trong vòng 6 tháng sau đó. Anh dự kiến phê duyệt sử dụng vaccine của Pfizer và BioNTech ngay trong tuần này.

Trước đó, Anh đã đặt mua 40 triệu liều vaccine và dự kiến sẽ nhận được 10 triệu liều vào cuối năm nay, đủ để tiêm phòng cho 5 triệu người. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ dự kiến bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngay từ giữa tháng 12/2020 nếu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của nước này chấp thuận đẩy nhanh lịch trình triển khai tiêm vaccine. Trong tuyên bố đưa ra hôm qua nhân dịp Lễ Tạ ơn, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 sẽ được tiến hành trong tuần tới và tuần kế tiếp. Những nhóm đối tượng được ưu tiên là các binh sĩ tuyến đầu, nhân viên y tế và người cao tuổi.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc các nước giàu nhanh chân thu gom vaccine sẽ khiến các nước nghèo, các nước đang phát triển “không có cửa mua vaccine”. Trong cuộc họp mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa nhấn mạnh đến vấn đề phân phối công bằng vaccine. Theo người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, những tín hiệu tích cực về vaccine như ánh sáng ở cuối đường hầm, mở ra cơ hội chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là không nên để xảy ra tình trạng các quốc gia nghèo nhất phải chờ cho tới lượt mình sau khi tất cả những nước giàu đã nhận đủ hàng tỷ liều vaccine đã đặt mua:

“Ánh sáng ở cuối đường hầm đang ngày càng sáng hơn cùng với hy vọng về các loại vaccine tiềm năng, qua đó góp phần chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên, việc thúc đẩy phân phối công bằng vaccine cũng phải khẩn trương như khi nỗ lực phát triển vaccine. Tất cả các quốc gia đều muốn làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân trong nước. Tuy nhiên có một nguy cơ thực tế là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua vaccine này”, ông Adhanom Ghebreyesus nói.

Trong một báo cáo mới đây, Tổ chức Chống nghèo đói và bất công Oxfam (Anh) cũng đã từng nhận định rằng, với 5 loại vaccine ngừa dịch Covid-19 tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, trước mắt, khả năng sản xuất 5 loại vaccine này là 5,9 tỉ liều, chỉ đủ cho 3 tỉ người trong số 7,8 tỷ dân số trên thế giới vì mỗi người cần phải dùng 2 liều.

Trong số 5,3 tỷ liều vaccine được đặt mua trên thế giới, các nước phát triển Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu đã đặt mua số lượng lên đến 2,7 tỷ liều. Khoảng 2,6 tỉ liều còn lại được các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil đặt hàng. Nếu tính toán của Tổ chức Oxfam là đúng, sẽ có nhiều nước nghèo, nước chậm phát triển sẽ “không có cửa mua vaccine”. Trong khi, để chấm dứt hoàn toàn đại dịch, việc phân phối vaccine một cách công bằng có ý nghĩa vô cùng quan trọng./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết