Tiếng Việt | English

09/09/2021 - 16:19

Thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Sáng 9/9, dưới sự bảo trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin-Truyền thông, Tập đoàn dữ liệu IDG Việt Nam và Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021.


Kết quả triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia từ tháng 12/2019 đến nay. (Nguồn: baochinhphu)

Sáng 9/9, dưới sự bảo trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn dữ liệu IDG Việt Nam phối hợp với Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức trực tuyến Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021.

Được tổ chức trong bối cảnh hệ thống Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, hội thảo là diễn đàn chia sẻ, giới thiệu kinh nghiệm phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Cổng dịch vụ công trực tuyến của các quốc gia phát triển; đồng thời giới thiệu các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ việc hiện đại hóa hạ tầng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Các diễn giả tham dự cũng đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hoạt động dịch vụ công trực tuyến, phát triển chính phủ số tại Việt Nam giai đoạn 2021-2021, cũng như những giải pháp về phát triển đô thị thông minh, thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số.

Tháng Sáu vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030. Đây là lần đầu tiên, sau 20 năm triển khai chính phủ điện tử, Việt Nam đã chính thức ban hành một văn bản Chiến lược ở tầm quốc gia với các định hướng lớn về phát triển Chính phủ điện tử.

Chiến lược này trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho tất cả các hành động của Việt Nam trong một thập kỷ tới - một thập kỷ Liên hợp quốc đánh giá là Thập kỷ hành động để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam được xác định là gắn liền với giải quyết các vấn đề lớn, các "nỗi đau của xã hội" để từ đó, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số cũng chính là hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số làm cho người dân giàu hơn, hạnh phúc hơn.

Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn mục tiêu đưa toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện lên mức độ 4.

Nhận định mục tiêu này là "khá xa" với tình hình thực tại, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tin tưởng với tư duy và cách làm mới của chuyển đổi số là làm nhanh, làm trên nền tảng, đồng thời có cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ ngành, địa phương, có thể đạt được mục tiêu về phát triển dịch vụ công trực tuyến. Bởi lẽ, với cách làm này, riêng trong năm 2020, Việt Nam đã đưa tỷ lệ cơ quan nhà nước triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp từ con số không lên 100%.

Trong năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã gấp 3 lần năm 2019, hoàn thành chỉ tiêu được nêu ra trong Nghị quyết 17 (tháng 3/2019) về một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Cụ thể, trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sau hơn một năm triển khai, Cổng dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Hơn 57 triệu hồ sơ đã được xử lý, tiết kiệm ngân sách khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm.

Để tiếp tục nâng cao mức độ và hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề cập đến 2 tiêu chí mang tính giải pháp đột phá. Thứ nhất, cần đặt mục tiêu cho mỗi dịch vụ công về số lượng người dùng trực tuyến. Việc duy trì có người dùng trực tuyến sẽ là điều kiện cần thiết để điều chỉnh, hoàn thiện dịch vụ đó hướng tới mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, người dân được tốt hơn. Thứ 2, đối với các dịch vụ công trực tuyến đã lên mức độ 4 được tối thiểu 1 năm, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cần đạt tối thiểu 30% trong năm 2021. Có như vậy, dịch vụ công trực tuyến mới thực sự đi vào cuộc sống và phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Một trong số những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của chính phủ số là sự phân hóa kỹ thuật giữa các khu vực, cụ thể là độ bao phủ và kết nối internet, khả năng thao tác công nghệ không đồng đều giữa các thành phần dân số… dẫn đến hạn chế của người dân trong việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam, chia sẻ Chính phủ số sẽ không thể hiệu quả khi phần đông người dân còn gặp khó khăn trong việc tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến. Do đó, chính phủ điện tử cần ra soát toàn thể, không bỏ sót ai trong quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2020, thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 2 bậc, lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6 trong thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử. Điều này khiến cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư, phát triển đất nước chưa thực sự bứt phá.

Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực nhiều tiềm năng như Đô thị thông minh, thương mại điện tử - hai lĩnh vực được kỳ vọng sẽ góp phần thiết thực trong việc ổn định tình hình kinh tế, xã hội giai đoạn hậu COVID-19…

Trong khuôn khổ hội thảo, chiều 9/9 diễn ra 2 phiên chuyên đề song song với chủ đề "Phát triển Đô thị thông minh" và chủ đề "Chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới phát triển Thương mại điện tử."

Toàn bộ chương trình hội thảo được truyền hình trực tuyến trên ứng dụng Cisco WebEx Metting và trên trang Fanpage IDG Vietnam. Ước tính có khoảng 1.000 lượt đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực chính phủ điện tử, chính phủ số, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, đô thị thông minh, tài nguyên môi trường, xây dựng… của Việt Nam và quốc tế tham dự, chia sẻ và đóng góp ý kiến./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Gia hạn Chữ ký số VNPT giá rẻ Máy nén Copeland ZR144KC chính hãng