Tiếng Việt | English

10/08/2021 - 10:21

Thực hiện 10 nguyên tắc vàng để phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Thực phẩm (TP) cung cấp những dưỡng chất cần thiết để cơ thể duy trì sự sống nhưng cũng có thể trở thành nguồn gây bệnh nếu không bảo đảm an toàn. Việc lựa chọn TP an toàn giúp phòng tránh nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Long An -
Đoàn Thanh Chiến về nguyên nhân và cách phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm (NĐTP).

Sử dụng nguồn nước sạch, nếu không có nguồn cung cấp nước sạch thì có thể đun sôi nước trước khi sử dụng chế biến thực phẩm hoặc làm đá cho các đồ uống

Sử dụng nguồn nước sạch, nếu không có nguồn cung cấp nước sạch thì có thể đun sôi nước trước khi sử dụng chế biến thực phẩm hoặc làm đá cho các đồ uống

PV: Thưa ông, những yếu tố nào là nguyên nhân chủ yếu gây NĐTP?

Ông Đoàn Thanh Chiến: NĐTP xảy ra bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chính do vi sinh vật, hóa chất, thức ăn chứa các chất độc tự nhiên hoặc bị biến chất. NĐTP do vi sinh vật có thể nhiễm từ môi trường bị ô nhiễm, thiếu vệ sinh trong quá trình chế biến. Thức ăn chưa nấu chín, thức ăn sống, không được bảo quản tốt, không che đậy kỹ để côn trùng, vật nuôi tiếp xúc; gia súc, gia cầm bị bệnh hay trong quá trình giết mổ, vận chuyển, bảo quản cũng có thể gây nhiễm vi sinh vật.

NĐTP do hóa chất thì phổ biến nhất là thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, sử dụng không đúng kỹ thuật, nguy hiểm nhất là dùng hóa chất cấm có thời gian phân hủy dài, độc tính cao; các kim loại nặng có trong đất, nước ngấm vào rau, củ, quả hoặc các loại thủy sản; sử dụng phụ gia không đúng quy định; thức ăn chăn nuôi tồn dư hóa chất, thuốc kháng sinh;...

Nguyên nhân thứ ba là thức ăn chứa chất độc như các loại nấm độc, khoai tây mọc mầm, sắn (khoai mì) và măng độc, lá ngón; cá nóc, con so biển (gần giống sam), nhựa cóc, mật cá trắm, bạch tuộc xanh và một số loài nhuyễn thể,...

Ngoài ra, còn có nguyên nhân NĐTP từ thức ăn bị biến chất trong quá trình bảo quản không đúng quy trình, ngộ độc rượu do rượu có pha cồn Methanol. Đồng thời, tác động của các yếu tố tự nhiên như ánh sáng, nhiệt độ, oxy trong không khí, các vết kim loại làm cho TP bị hư hỏng. Chất đạm, chất béo trong thức ăn biến chất cũng có thể tạo ra độc tố; các loại ngũ cốc bị hư hỏng, mốc tạo ra độc tố,...

Người tiêu dùng cần chú ý lựa chọn thực phẩm tại những nơi uy tín để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe

Người tiêu dùng cần chú ý lựa chọn thực phẩm tại những nơi uy tín để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe

PV: Triệu chứng của NĐTP là gì? Cách xử trí, sơ cứu ban đầu ra sao, thưa ông?

Ông Đoàn Thanh Chiến: NĐTP gồm ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính. Trong đó, ngộ độc cấp tính sẽ có triệu chứng ngay sau khi ăn với những biểu hiện từ nhẹ đến nặng như buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt, nôn, đau bụng, tiêu chảy, tê liệt cơ, co giật, tụt huyết áp,... hoặc thậm chí dẫn đến tử vong. Tình trạng ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện nhanh chóng, chỉ vài phút, vài giờ hoặc vài ngày sau khi nhiễm độc.

Ngộ độc mãn tính không có dấu hiệu rõ ràng, các chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể, về lâu dài sẽ dẫn đến các bệnh nguy hiểm.

Trong trường hợp ngộ độc cấp tính, cần lưu ý, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường sau khi ăn uống, nếu có biểu hiện ngộ độc chỉ vài giờ, cách sơ cứu thông dụng nhất là cho người bệnh uống nhiều nước, tìm cách để nôn ra các thức ăn, thức uống và nhanh chóng chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý.

Cụ thể, với người bệnh có triệu chứng nôn mửa sau khi ăn TP nhiễm độc, ngay lập tức phải làm cho người bị ngộ độc nôn hết thức ăn ra. Có thể pha nước muối (2 thìa canh muối hòa tan trong 1 ly nước ấm) hoặc uống nhiều nước lọc, rồi dùng ngón tay trỏ ép vào gốc lưỡi, kích thích người bệnh nôn càng nhiều càng tốt.

Khi thực hiện biện pháp này với trẻ nhỏ, chú ý tránh gây xây xước họng. Phải để trẻ gối đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Không để trẻ nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi, dễ dẫn đến tử vong.

Đối với người bị tiêu chảy, có thể sử dụng dung dịch oresol hòa tan để tránh tình trạng đi ngoài nhiều gây mất nước trong cơ thể. Trường hợp không có sẵn oresol, có thể thay bằng dung dịch nước muối loãng (pha 1 thìa cà phê muối trong 1 lít nước lọc). Những người có biểu hiện ngộ độc nhẹ như đau bụng, đi ngoài có thể uống men tiêu hóa để cải thiện tình trạng, giảm các cơn đau.

Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến, kinh doanh thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh

Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến, kinh doanh thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh

PV: Để phòng tránh nguy cơ NĐTP, ông có những khuyến cáo nào đối với người tiêu dùng, bà nội trợ?

Ông Đoàn Thanh Chiến: Khuyến cáo để phòng tránh NĐTP, cần chú ý thực hành 10 nguyên tắc vàng chế biến TP an toàn, cụ thể:

1. Phải biết cách chọn TP an toàn.

2. Thực hiện “ăn chín, uống chín”, các TP cần được đun nấu kỹ trước khi ăn; rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng.

3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín vì TP nấu chín nguội dần khi để ở nhiệt độ thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển. Thời gian để càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao.

4. Bảo quản cẩn thận TP đã nấu chín, nếu muốn chế biến trước TP hoặc giữ lại các thức ăn thừa, phải bảo quản các TP đó ở nhiệt độ nóng (gần hoặc trên 60oC), hoặc lạnh (gần hoặc dưới 10oC).

5. Nấu kỹ lại thức ăn cũ trước khi ăn là nguyên tắc tốt nhất để tránh cho vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản. TP phải được nấu với nhiệt độ ít nhất là 70oC.

6. Không để lẫn TP sống và chín vì TP nấu chín có thể ô nhiễm qua tiếp xúc với TP sống.

7. Luôn giữ tay sạch sẽ khi chế biến, rửa tay kỹ trước khi chế biến và sau khi có những công việc khác làm gián đoạn quá trình chế biến như sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ gây ô nhiễm khác.

8. Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến, kinh doanh TP phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh.

9. Bảo vệ TP khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác.

10. Sử dụng nguồn nước sạch, nếu không có nguồn cung cấp nước sạch thì có thể đun sôi nước trước khi sử dụng chế biến TP hoặc làm đá cho các đồ uống.

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần tìm hiểu và nắm bắt được những kiến thức cơ bản về bảo đảm ATTP, chú ý vệ sinh cá nhân, các phương pháp bảo quản TP, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều gia đình thường mua trữ thực phẩm để dùng trong nhiều ngày. Bên cạnh đó, người sản xuất, kinh doanh TP phải nêu cao đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức vì cộng đồng để hạn chế tối đa nguy cơ mất ATTP.

Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp NĐTP. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 10.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh TP, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. 6 tháng đầu năm 2021, các đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến tỉnh, huyện, xã thanh tra, kiểm tra 7.138 cơ sở, xử phạt 75 cơ sở vi phạm các điều kiện về bảo đảm ATTP với số tiền trên 744 triệu đồng. Các nội dung vi phạm chủ yếu: Sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; kinh doanh sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn trong bảo quản TP; điều kiện vệ sinh cơ sở chưa bảo đảm;...

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Phạm Ngân - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết