Tiếng Việt | English

17/11/2024 - 11:17

Phòng chống kháng thuốc kháng sinh

Tuần lễ nâng cao “Nhận thức về kháng sinh trên thế giới” là một chiến dịch toàn cầu diễn ra từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 11 hằng năm, hướng tới việc nâng cao hiểu biết về vấn đề kháng thuốc, những nguy cơ do kháng thuốc gây ra và khuyến khích hành động của các nhà hoạch định chính sách, nhân viên y tế, cộng đồng và chủ sở hữu động vật,… với mục đích tránh sự xuất hiện và lây lan của các chủng vi sinh vật kháng thuốc, cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.

Ảnh minh họa

Theo Bác sĩ Alexander Fleming - nhà sinh học và cũng là nhà dược lý học người Scotland, người mở ra kỷ nguyên sử dụng kháng sinh đã định nghĩa: “Kháng sinh (Antibiotic) là những chất kháng khuẩn được tạo ra bởi các chủng vi sinh vật hoặc có nguồn gốc tổng hợp, có tác dụng kìm hãm hoặc tiêu diệt sự sinh trưởng và phát triển vi sinh vật khác”.

Để có thể sử dụng trị liệu, các thuốc kháng sinh cần có tính chọn lọc tức là gây độc cho vi khuẩn nhưng không gây độc cho người. Kháng sinh kìm khuẩn khi ức chế được sự phát triển của vi khuẩn, kháng sinh diệt khuẩn khi hủy hoại vĩnh viễn được vi khuẩn gây bệnh.

Khi vi khuẩn đề kháng với tất cả kháng sinh cũ, các nhà khoa học lại nghiên cứu tìm ra kháng sinh thế hệ mới có khả năng điều trị tốt hơn. Các thế hệ càng mới, phổ kháng khuẩn càng rộng và hiệu quả trị liệu cao hơn thế hệ cũ.

Đa kháng thuốc (MultiDrug Resistance) là tác nhân được phân lập đề kháng với ít nhất 1 kháng sinh ở ít nhất 3 nhóm kháng sinh.

Toàn kháng (PanDrug Resistance) là tác nhân được phân lập đề kháng với tất cả các kháng sinh ở tất cả các lớp kháng sinh hiện có.

Kháng kháng sinh (Antibiotic resistance) không có nghĩa là cơ thể chống lại tác dụng của kháng sinh, mà là hiện tượng xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn gây bệnh có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh, làm cho kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc không ngăn chặn được sự phát triển của mầm bệnh. Vi khuẩn gây bệnh sau khi tiếp xúc với kháng sinh một thời gian có khả năng thích nghi làm mất hiệu quả diệt khuẩn của thuốc. Khi đó, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh cần được chữa trị bằng loại kháng sinh phổ rộng hơn, mạnh hơn, kéo dài thời gian và chi phí điều trị cao hơn, thậm chí có nguy cơ tử vong khi vi khuẩn trở nên “đa kháng” hoặc “siêu kháng thuốc” vì không còn loại thuốc điều trị nào hiệu quả. Những vi khuẩn gây bệnh còn sống sót có thể nhân lên, truyền các đặc tính cho thế hệ sau kể cả tình trạng kháng thuốc, khiến cho số lượng chủng loại vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng.

Đặc biệt, ở các nước đang phát triển như Việt Nam với các bệnh truyền nhiễm còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu bệnh tật như nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, đường hô hấp, bệnh lây truyền qua đường tình dục,… thì việc kháng kháng sinh đang là gánh nặng thực sự vì sự gia tăng chi phí do phải bắt buộc thay thế các kháng sinh cũ bằng các thế hệ mới đắt tiền.

Nguyên nhân đưa đến tình trạng kháng kháng sinh là do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng, thủy sản, chăn nuôi và trong cộng đồng dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.

Theo công văn 1517/BYT-KCB  trong danh mục 30 nhóm thuốc kê đơn thì kháng sinh thuộc nhóm 8 chỉ được bán khi có đơn bác sĩ nhưng thói quen tự chữa bệnh, tự kê đơn thuốc của người dân cũng góp phần làm tăng tình trạng kháng thuốc.

Ảnh minh họa

Nguyên tắc sử dụng kháng sinh:

- Mỗi kháng sinh chỉ có tác dụng trên một số loại vi khuẩn nhất định, phải sử dụng kháng sinh phù hợp với chủng vi khuẩn gây bệnh. Sử dụng kháng sinh phải bắt đầu từ liều cao, khi hết sốt mới được ngưng thuốc. Bệnh nhân nội trú bị nhiễm khuẩn nặng sau khi hội chẩn, bác sĩ mới cho y lệnh phối hợp nhiều loại kháng sinh .

- Thời gian dùng kháng sinh từ 7 đến 14 ngày. Nếu uống 1 kháng sinh 14 ngày mà không đáp ứng điều trị thì bác sĩ sẽ đổi kháng sinh khác. Uống kháng sinh dài ngày sẽ gây hại cho vi khuẩn thân thiện.

- Thời điểm dùng: Amoxicillin, Erythromycin, Roxithromycin, Azithromycin uống trước khi ăn 1 giờ. Nhóm Penicillin, Cephalosporin uống xa bữa ăn sẽ tăng khả năng hấp thu. Nhóm Cyclin, Quinolon uống sau khi ăn để tránh ảnh hưởng đường tiêu hoá. Doxycycline nên sử dụng sau bữa ăn và tránh dùng chung với sữa.

- Kháng sinh nhóm Aminoglycoside ảnh hưởng đến chức năng thận. Kháng sinh  Clindamycin và Metronidazol gây hại gan, Erythromycin, Ciprofloxacin gây viêm đường mật. Vì thế bác sĩ sẽ cho xét nghiệm chức năng gan, thận để hiệu chỉnh liều phù hợp trên mỗi bệnh nhân.

Giải pháp ngăn chặn tình trạng kháng thuốc:

Nhà nước cần tăng cường quản lý phân phối kháng sinh, kiểm soát và hạn chế sử dụng kháng sinh trong thủy sản, nuôi trồng, thú y. Bắt buộc tất cả thuốc kháng sinh phải có số đăng ký của Cục quản lý dược, các công ty sản xuất, phân phối phải có hóa đơn. Theo Phụ lục VII Thông tư 20/2017-TT-BYT có 60 hoạt chất bị cấm trong 1 số ngành lĩnh vực (trong đó có Cloramphenicol, Metronidazol, Vancomycin và nhiều kháng sinh nhóm Quinolon) thì trong dự thảo quyết định của Bộ Y Tế vào tháng 3/2024 đã tăng lên 75 hoạt chất. Điều này thể hiện rõ đã có sự phối hợp giữa các bộ/ngành trong quản lý kháng sinh

Dược sĩ chính là các chuyên gia về thuốc, vì thế ngoài việc tuân thủ quy chế kê đơn cần tuyên truyền cho cộng đồng biết về lợi ích và nguy cơ khi lạm dụng kháng sinh, cần nhắc nhở bệnh nhân phải uống đủ liều để tránh lờn thuốc, không được tự ý mua kháng sinh, không chia sẻ kháng sinh với người khác.

Đồng thời, các dược sĩ cần nâng cao kiến thức, nắm vững các nguyên tắc sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý bằng các buổi cập nhật kiến thức liên tục, thực hiện duyệt đơn điện tử trên cổng dữ liệu quốc gia, điều này giúp giảm thiểu tối đa việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, chung tay  cùng với chính quyền ngăn chặn tình trạng kháng thuốc./.

DSCKII. Lý Thị Nhất Định

Chia sẻ bài viết


Bộ chăm sóc mũi họng cho trẻ sơ sinh