Tiếng Việt | English

19/02/2021 - 08:27

Thực hư về ổ gián điệp của Trung Quốc ở thủ đô Kabul (Afghanistan)

Cuộc sống của một công dân Trung Quốc ở Kabul đang bị mổ xẻ chi tiết trong bối cảnh có nhiều cáo buộc về mối liên hệ với mạng lưới Haqqani – nhóm phiến quân chống NATO và chính phủ Afghanistan.

(Tên thật của những người được đánh dấu hoa thị (*) ở trong bài này đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của họ).


Afghanistan và Trung Quốc trên bản đồ thế giới. Nguồn ảnh: Wikipedia.

Shoaib* biết Xu* là một giáo viên tiếng Hoa tại một trường tư ở địa phương. Xu dạy tiếng Hoa tại căn hộ mà anh này thuê ở Kart-e-Char – một quận trung lưu của Kabul.

Shoaib – một công dân Afghanistan muốn học tiếng Hoa, đã gặp Xu trên Facebook. Xu đã xây dựng được một mạng lưới bạn bè tại nước sở tại, bao gồm các giáo viên tiếng Hoa và học viên môn này.

Salim* - khi đó là một sinh viên năm thứ nhất tại một trường đại học ở Trung Quốc vào đầu năm 2019, đã gặp Xu trên một nhóm của mạng xã hội Trung Quốc WeChat – đây là một ứng dụng tin nhắn tương tự WhatsApp. Salim và Xu đã hình thành tình bạn với nhau. Xu đưa Shoaib đi nghỉ ở Trung Quốc, và Salim mời Xu về nhà mình ở Kabul.

Shoaib và Salim ngạc nhiên khi Xu và 9 công dân Trung Quốc khác ở Kabul đã bị bắt giữ vào tháng 12/2020.

Nhân vật Xu nằm ở trung tâm của các cáo buộc về mối liên hệ với mạng lưới Haqqani. Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã tố cáo các công dân Trung Quốc nói trên trả tiền cho các nhân tố phi nhà nước để sát hại binh sĩ Mỹ ở Afghanistan. Trong khi đó, cơ quan tình báo Afghanistan - được cơ quan tình báo Ấn Độ rỉ tai về các công dân Trung Quốc này, đồn đoán rằng Xu và những người còn lại đã xây dựng mối quan hệ với mạng Haqqani nhằm theo dõi các phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ.

Các cáo buộc về người Trung Quốc thiết lập quan hệ với mạng lưới Haqqani đã vạch ra số phận không rõ ràng của mạng lưới này trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra giữa các phe ở Afghanistan. Mạng Haqqani, từng chịu trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công bạo lực nhất ở Kabul và các vùng đô thị lân cận, đã bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Văn bản thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban không đả động đến mạng lưới Haqqani. Sự thiếu rõ ràng trong số phận tổ chức này phản ánh tính phức tạp trong cuộc chiến chưa có hồi kết ở Afghanistan.

Quá trình móc nối

Xu, tầm trên 30 tuổi, thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Afghanistan để chuẩn bị cho một dự án đường bộ ở Bamyan. Công ty Cầu đường Trung Quốc đã ký một hợp đồng xây dựng đường bộ giữa Bamyan và Baghlan vào tháng 1/2017. Xu nói với Salim rằng anh ta từng làm cho dự án này. Sau đó Xu tìm cách để được làm việc ở Afghanistan nhưng đại sứ quán Afghanistan ở  Trung Quốc đã nhiều lần từ chối cấp visa (thị thực) cho anh ta, theo lời Salim, sinh viên người Afghanistan.

Salim, từng học ở Trung Quốc trong 2 năm rồi chuyển sang một nước phương Tây, nói: “Xu phải trầy trật đi xin visa. Cuối cùng anh ta tìm được một công ty gửi cho anh ta giấy mời. Nhờ đó anh ta xin được visa... Xu giữ liên lạc với một người Afghanistan khác, người này nói với tôi rằng anh ta và Xu xuất hàng, đặc biệt là jalghoza, từ Afghanistan sang Trung Quốc”.

Khó kiểm chứng những lời nói trên nhưng Xu vẫn có khả năng có được công việc như vậy. Việc xuất khẩu jalghoza (một loại hạt thông) từ Afghanistan sang Trung Quốc đã bùng nổ trong các năm gần đây. Hồi tháng 11/2018, Afghanistan mở một hành lang hàng không với Trung Quốc. Chuyến bay đầu tiên đã đưa 20 tấn hạt thông sang Thượng Hải. Công việc làm ăn vẫn diễn ra mạnh mẽ kể từ đó.

Shoaib - người sinh viên đã gặp Xu trên Facebook, nói rằng Xu dạy tiếng Hoa tại một trường tư cũng như dạy tiếng Hoa ở nhà riêng tại quận Kart-e-Char thuộc Tây Kabul. Shoaib không gặp trực tiếp Xu nhưng có “chat” với anh ta qua mạng Facebook, thảo luận những điều họ quan tâm, trong đó có cả những lời bông đùa rằng Shoaib muốn Xu tìm cho anh một cô bạn gái Trung Quốc.

Shoaib nhớ lại rằng Xu “kể là anh ta thạo tiếng Farsi/Dari, Pashto (hai ngôn ngữ quốc gia ở Afghanistan), tiếng Nhật, và tiếng Anh”.

Hợp tác tình báo Ấn Độ-Afghanistan

Thông tin từ phía Ấn Độ đã giúp tình báo Afghanistan bắt được Xu. Cơ quan tình báo đối ngoại Ấn Độ (tên chính thức là Cục Nghiên cứu - Phân tích Ấn Độ) thông báo cho cơ quan tình báo Afghanistan về sự hiện diện của các công dân Trung Quốc ở Kabul, theo một quan chức Afghanistan.

Cục An ninh Quốc gia (NDS) – tên chính thức của cơ quan tình báo và phản gián Afghanistan, đã bắt Xu tại căn hộ của anh ta vào ngày 10/12/2020. NDS được cho là đã thu vũ khí và ma túy trong cuộc bắt giữ này. Cơ quan tình báo Afghanistan cũng bắt 9 công dân Trung Quốc khác ở Kabul, bao gồm một phụ nữ quản lý một nhà hàng ở quận Sheer Por, Kabul.

Vụ bắt giữ trên đã phơi bày quan hệ tình báo ngày càng gia tăng giữa Afghanistan và Ấn Độ trước thực trạng Mỹ rút quân dần khỏi Afghanistan. Trong lúc chính quyền Biden chưa có quyết định rõ ràng về số phận của 2.500 lính Mỹ còn lại ở Afghanistan, dự kiến Mỹ sớm muộn gì cũng rút khỏi đất nước này. Kabul và New Delhi đang ngày càng xích lại gần nhau để ứng phó với kẻ thù chung trong khu vực.

Omar Samad – cựu đại sứ Afghanistan ở Pháp và Canada, nói: “Với ít ngoại lệ, Afghanistan trong tiến trình lịch sử là một điểm nóng địa chính trị với nhiều cạnh tranh căng thẳng giữa các cường quốc toàn cầu và khu vực. Các cuộc tranh giành này đã mang hình thức mới trong thời gần đây, gia tăng căng thẳng xung đột Afghanistan và khiến cho việc tìm kiếm hòa bình trở nên phức tạp hơn”.

Sự cố với nhân vật bị tố là điệp viên Trung Quốc

Trong khi đó, theo Shoaib, “Xu ghét Ấn Độ và coi Ấn Độ như kẻ thù của Trung Quốc”.

Giám đốc cơ quan tình báo Afghanistan đã xác nhận vụ bắt giữ này trong một phiên họp quốc hội. Cơ quan này cáo buộc rằng nhân viên của họ đã thu được vũ khí, đạn dược và thuốc gây mê Ketamine từ các công dân Trung Quốc bị bắt đó.

Báo chí Ấn Độ báo cáo rằng Xu bắt đầu làm việc với cơ quan tình báo Trung Quốc từ tháng 7 hoặc tháng 8/2020. Xu bị tố có liên lạc với một nam giới Pakistan cũng như mạng lưới Haqqani.

Sinh viên Salim nói: “Xu tới Pakistan. Gần đây khi tôi ở Kabul thì anh ta đang ở Pakistan”.

Thời điểm Xu bị cáo buộc có mối liên hệ với cơ quan tình báo Trung Quốc trùng với lúc Xu bị... quấy rối tình dục. Shoaib - sinh viên gặp Xu trên Facebook, cho biết Xu than phiền về việc liên tục nhận được các cuộc gọi từ các nam giới Afghanistan. Những người đàn ông này muốn quan hệ tình dục với Xu, vẫn theo lời Shoaib. Vào hè, Xu nuôi tóc dài và trông nữ tính hơn. Xu đã chặn số điện thoại của những kẻ quấy rối. Xu cũng phàn nàn rằng các công dân Trung Quốc khác cũng bị quấy rối ở Kabul.

Vẫn còn một câu hỏi là liệu sự quấy rối này có liên quan tới các cáo buộc mà các công dân Trung Quốc nói trên hiện đang đối mặt.

Có 2 giả thuyết về các cáo buộc này. Một là họ đã treo giải thưởng cho những ai sát hại được lính Mỹ. Theo trang Axios, một báo cáo về các giải thưởng này đã đưa vào báo cáo tình báo trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 17/12/2020. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khi đó là Robert O’Brien đã thông báo nhanh cho Tổng thống Trump về báo cáo này. Theo chính quyền Trump, các công dân Trung Quốc được cho là treo tiền thưởng cho những đối tượng không thuộc nhà nước sát hại binh sĩ Mỹ sau thỏa thuận Mỹ-Taliban vào tháng 2/2020. Bản báo cáo được gắn mác “chưa được kiểm chứng” và được xếp vào hạng mật.

Giả thuyết thứ 2 thì lại khác. Tờ Thời báo Hindustan là tờ báo Ấn Độ đầu tiên đưa tin về các vụ bắt giữ công dân Trung Quốc. Tờ này cho biết, các công dân Trung Quốc này đang xây dựng một ổ nhóm giả của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) ở Afghanistan nhằm gài bẫy các chiến binh Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh thường nhấn mạnh đến mối đe dọa khủng bố từ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác.

Hai giả thuyết trên có một điểm chung là sự tiếp xúc giữa công dân Trung Quốc và một nhân tố phi nhà nước. Chính quyền Trump không nêu tên tổ chức dính vào âm mưu treo thưởng, một phần vì cố gắng cứu một thỏa thuận với Taliban. Tuy nhiên Haqqani là một trong các nhân tố phi nhà nước có năng lực tốt nhất trong việc tấn công binh sĩ Mỹ. Haqqani đóng vai trò nổi bật trong xung đột ở Afghanistan trong các thập kỷ qua và vẫn là nhóm hoạt động có ảnh hưởng lên cuộc chiến ở đây.

Quân bài Haqqani

Tổ chức này được thành lập trong cuộc chiến chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan trong thập niên 1980, trong đó lực lượng phiến quân nhận được sự hậu thuẫn của các nước đồng minh. Nhưng đến thập niên 2000 và thập niên 2010, tổ chức này lại quay mũi súng sang chính lực lượng liên quân của Mỹ và NATO, và chống lại cả dân thường Afghanistan ở đô thị. Chính phủ Mỹ theo đuổi một chính sách rõ ràng: Đánh mạng lưới Haqqani, đàm phán với Taliban. Mỹ ký một thỏa thuận với Taliban vào tháng 2/2020 nhưng thỏa thuận không đề cập mạng lưới Haqqani.

Andrew Watkins – một nhà phân tích cao cấp của Afghanistan tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói rằng việc Mỹ coi Haqqani là một nhóm khủng bố là động thái mang tính chính trị, nhằm phân hóa Taliban thành các nhóm phiến quân hòa giải được và không hòa giải được, làm đồng minh của al-Qaeda và các nhóm thánh chiến xuyên quốc gia.

Watkins nói rằng việc nhóm Haqqani không được nêu tên trong thỏa thuận Mỹ-Taliban ngụ ý rằng Mỹ công nhận Haqqani là một bộ phận của Taliban.

Watkins phân tích tiếp: “Số phận cuối cùng của mạng lưới này chưa rõ. Việc nghiên cứu phe Haqqani luôn bị che phủ bởi tình trạng chính trị hóa, các chương trình nghị sự, và các lăng kính xem xét nhóm này: Phong trào thánh chiến, chống khủng bố, ảnh hưởng lịch sử của Pakistan. Rất khó để nói cụ thể về vị thế của nhóm này, kể cả ngày nay”.

Mặc dầu các cáo buộc về mối liên hệ giữa Xu và mạng lưới Haqqani vẫn là điều bí ẩn vào lúc này, thì các cáo buộc đó vẫn là tín hiệu về khả năng các thế lực bên ngoài cố khai thác mạng lưới đó để phục vụ các mục đích khác nhau của mình. Trong lúc chính quyền Afghanistan vẫn duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc, các cáo buộc mới nhất này hàm ý rằng cuộc chiến dài lâu tại Afghanistan đang trở nên mỗi lúc một phức tạp.

Trong thời gian ở Kabul, Xu đã liên lạc chặt chẽ với một thanh niên Afghanistan tên là Ahmad* - người sở hữu và quản lý một trường học tư. Ahmad quảng cáo trường trung học của mình  là một trường quốc tế có giáo viên nước ngoài (trong đó có Xu). Ahmad thường tới thăm căn hộ của Xu, và đăng ảnh lên mạng xã hội.

Một người bạn của Ahmad cho biết: “Ahmad và Xu rất thân nhau. Họ hay đi picnic”.

Ngoài các công dân Trung Quốc, Ahmad cũng bị cơ quan tình báo Afghanistan bắt giữ. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã giao cho Phó Tổng thống Armullah Saleh (một cựu điệp viên) nhiệm vụ xử lý vụ bắt giữ công dân Trung Quốc. Ông Saleh đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc đưa ra lời xin lỗi chính thức.

Các công dân Trung Quốc đã lên máy bay rời khỏi Kabul vào tháng 1/2021 và quay về Trung Quốc, còn Ahmad vẫn bị tình báo Afghanistan giam giữ. Các công dân Trung Quốc nói trên không bao giờ bị buộc tội cả.

Shoaib nói: “Tôi gửi tin nhắn cho Xu. Anh ấy vẫn chưa nhận tin nhắn”./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết