Thi công cống ngăn mặn ở Tiền Giang. (Nguồn: TTXVN)
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, trong vụ Đông Xuân 2023-2024, địa phương gieo sạ 44.760ha với sản lượng thu hoạch trên 315.000 tấn lúa hàng hóa.
Tiền Giang đang triển khai nhiều giải pháp thích hợp nhằm ứng phó hạn mặn, đảm bảo nông dân giành một vụ bội thu.
Tỉnh phân bố lịch thời vụ hợp lý cho từng vùng, tiểu vùng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, né hạn mặn gây hại lúc cuối vụ sản xuất, tạo điều kiện phân bố hợp lý thời vụ cho các vụ sản xuất kế tiếp trong năm.
Các huyện vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông và vùng kiểm soát lũ phía Tây xuống giống từ ngày 10/11 và dứt điểm ngay trong tháng 11/2023. Một phần vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước) và một phần hệ Cổ Chi (huyện Châu Thành) xuống giống từ ngày 20/12/2023 và dứt điểm vào ngày 30/12/2023.
Để nâng chất lượng hạt gạo xuất khẩu, trong vụ Đông Xuân 2023-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân đẩy mạnh sử dụng các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn và chịu mặn tốt như: VD 20, OM 6976, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451…, đặc biệt ưu tiên các giống lúa được thương lái hoặc doanh nghiệp liên kết sản xuất-tiêu thụ, bao tiêu.
Ngay từ đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang đã tăng cường tập huấn, tuyên truyền đến tận hộ nông dân những biện pháp chăm sóc cây trồng trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn với những giải pháp trọng tâm như: tăng cường sử dụng phân hữu cơ, trung vi lượng tăng khả năng chống chịu trà lúa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thâm canh; tiết kiệm nước bơm tát phục vụ sản xuất...
Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết thêm nhằm đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất vừa phòng, chống hạn mặn cho trà lúa Đông Xuân 2023-2024, địa phương tăng cường kiểm tra các công trình cống đập ngăn mặn, củng cố hệ thống đê bao cho từng vùng sản xuất vừa ngăn mặn và triều cường hiệu quả, không để ảnh hưởng đến trà lúa, khuyến cáo nông dân bơm trữ nước trong ruộng lúa hoặc nội đồng khi có điều kiện.
Đồng thời, thực hiện mục tiêu chủ động phòng, chống hạn mặn, bảo vệ trà lúa Đông Xuân và các vùng trồng cây ăn quả đặc sản, trong năm 2023, Tiền Giang triển khai Dự án Đầu tư Xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864, kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền để đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện 2023-2025.
Dự án có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 846,4 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó, riêng chi phí xây lắp công trình trên 578 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, kế hoạch vốn giao năm 2023 của dự án là 228,1 tỷ đồng. Đến đầu tháng 10, toàn bộ 6 cống ngăn mặn đã cơ bản hoàn thành, về trước thời hạn được giao khoảng 2 tháng.
Mặt khác, tỉnh có kế hoạch triển khai 8 điểm bơm truyền để bổ cấp nước cho các khu vực thường xuyên khô hạn trên địa bàn huyện Châu Thành. Ngoài ra, tỉnh giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Tiền Giang thường xuyên quan trắc, theo dõi, cập nhật diễn biến độ mặn trên sông Tiền, sông Vàm Cỏ để có biện pháp ứng phó hữu hiệu, kịp thời, không để ảnh hưởng trà lúa Đông Xuân trong quá trình sản xuất.
Trong trường hợp tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong mùa khô 2023-2024, độ mặn tăng cao và lấn sâu vào thượng lưu sông Tiền, Tiền Giang sẽ đóng 3 đập thép ngăn mặn tại các vàm Trà Tân, Ba Rày và Phú An không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng giúp nông dân sản xuất vụ Đông Xuân thắng lợi./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tien-giang-chu-dong-phong-chong-han-man-bao-ve-tra-lua-dong-xuan-post907626.vnp