Hiện nay, mô hình Tiếng kẻng vùng biên đã được thực hiện tại 44 ấp biên giới
44 ấp biên giới thực hiện mô hình tiếng kẻng vùng biên
Thực hiện mô hình Tiếng kẻng vùng biên, mỗi nhà trang bị một cái kẻng dài khoảng 50cm treo ở chỗ dễ thấy, vị trí thuận lợi trong nhà mình. Mỗi khi có việc cần thông báo về tội phạm, trộm cướp, tai nạn, tụ tập gây rối,... thì gõ kẻng báo hiệu cho mọi người cùng biết để hợp sức giải quyết, xử lý.
Để mục đích, ý nghĩa của tiếng kẻng vùng biên được phát huy hiệu quả, hàng năm, các đồn biên phòng, công an và quân sự tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản và tổ chức luyện tập, xử lý các tình huống có thể xảy ra. Nội dung luyện tập chủ yếu tập trung vào các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn: Phòng, chống đối tượng xâm nhập, xuất nhập cảnh trái phép, trộm, cướp, cướp có vũ trang, cứu hộ, cứu nạn và an toàn giao thông.
Qua thời gian thực hiện, mô hình Tiếng kẻng vùng biên ngày càng được nhân rộng. Đến nay, 44/44 ấp biên giới thuộc 20 xã biên giới ở các huyện: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường thực hiện và có gần 12.500 lượt người tham gia luyện tập mô hình (trong đó có hơn 3.500 lượt cán bộ, chiến sĩ biên phòng, quân sự và công an xã; hơn 8.800 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân).
Phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân
Qua thời gian thực hiện, tiếng kẻng vùng biên đã được cán bộ, người dân hiểu rõ mục đích để thực hiện. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, ngụ ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn, an ninh biên giới quốc gia không chỉ là trách nhiệm của các lực lượng công an, biên phòng, quân sự mà còn là của toàn dân. Mô hình Tiếng kẻng vùng biên góp phần nâng cao ý thức của toàn thể nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên tuyến biên giới. Mỗi khi tiếng kẻng vang lên thì người dân đều biết có việc để cùng chung sức giải quyết.
Thực hiện mô hình, người dân và chính quyền địa phương hỗ trợ hơn 112 triệu đồng để mua gần 2.400 kẻng nhỏ và 40 kẻng lớn; in và ép nhựa gần 2.400 quy chế sử dụng kẻng. Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính từ năm 2012 đến hết 2017, từ thực hiện mô hình Tiếng kẻng vùng biên, các hộ dân đã tự giác đăng ký hơn 340 xe máy, 155 xuồng máy và lập 127 hàng rào chắn di động ngăn chặn tội phạm. Trong giai đoạn này, người dân đã cung cấp hơn 8.340 tin liên quan đến các loại tội phạm (trong đó có gần 4.000 tin có giá trị), góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên khu vực biên giới.
“Ngoài phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cứu hộ, cứu nạn thì tiếng kẻng vùng biên góp phần bồi đắp thêm mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng. Tiếng kẻng chính là cầu nối gắn kết tình dân - quân và các lực lượng biên phòng - công an - quân sự để cùng bảo vệ an ninh, trật tự biên giới. Qua đó, góp phần thắng lợi việc thực hiện mục tiêu xây dựng biên giới bình yên, nội biên vững mạnh; thực hiện hiệu quả cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” - Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp - Trương Văn Thanh phấn khởi cho biết.
Thượng tá Vũ Minh Tùng - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đánh giá: “Trong thực hiện mô hình Tiếng kẻng vùng biên, các lực lượng biên phòng, công an, quân sự đã có sự phối hợp chặt chẽ. Qua đó chủ động phối hợp, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương để nhân rộng và nâng cao hiệu quả của tiếng kẻng vùng biên. Qua thực hiện mô hình góp phần tạo sự đồng thuận cao giữa chính quyền, nhân dân và các lực lượng trong tham gia, xử lý hiệu quả các vụ việc phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới”./.
Vũ Quang