Tiếng Việt | English

28/05/2020 - 06:13

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại một số nước Đông Nam Á

Tính tới ngày 27/5, Lào đã có 45 ngày liên tiếp không phát hiện trường hợp nào dương tính với virus SAR-CoV-2, trong khi Indonesia thông báo có thêm 686 ca nhiễm mới.

Phụ nữ và trẻ em đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 ở Blang Bintang, tỉnh Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phụ nữ và trẻ em đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 ở Blang Bintang, tỉnh Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại cuộc họp báo chiều 27/5 ở thủ đô Vientiane, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 Lào cho biết tính tới ngày 27/5, nước này đã có 45 ngày liên tiếp không phát hiện trường hợp nào dương tính với căn bệnh nguy hiểm nói trên.

Lào đã thực hiện tổng cộng 5.938 lần xét nghiệm, phát hiện 19 trường hợp dương tính với bệnh COVID-19.

Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Y tế Lào đã thông báo thêm tin vui trong cuộc chiến phòng chống COVID-19 tại nước này, theo đó, cũng trong ngày 27/5, đã có thêm hai bệnh nhân của nước này được chữa khỏi và xuất viện để tiếp tục cách ly tại gia đình. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã chữa khỏi cho 16/19 bệnh nhân mắc COVID-19.

Dự kiến, nếu tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại Lào tiếp tục có tiến triển tốt như hiện tại, đầu tháng Sáu tới, Chính phủ Lào có thể tiếp tục ban hành các biện pháp nới lỏng tiếp theo.

Cùng ngày, Philippines thông báo có 380 ca nhiễm mới, mức cao nhất theo theo ngày trong hơn bảy tuần qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 15.049, kể từ khi dịch bệnh xuất hiện hồi tháng Một.

Bộ Y tế nước này cho biết số ca khỏi bệnh tiếp tục tăng lên 3.506 sau khi có thêm 94 người khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong tăng lên 904, sau khi có thêm 18 bệnh nhân tử vong.

17 thị trưởng khu vực thủ đô, nơi cư trú của 16,5 triệu người, đã đề nghị nới lỏng các biện pháp phòng dịch tại Manila và cho phép thêm nhiều hoạt động kinh doanh được nối lại với hy vọng khởi động lại nền kinh tế vốn đang bị tê liệt do lệnh đóng cửa áp dụng từ giữa tháng Ba.

Theo ước tính, lệnh đóng cửa buộc người dân phải ở nhà và doanh nghiệp tạm dừng hoạt động đã khiến kinh tế Philippines suy giảm 0,2% trong quí I/2020.

Indonesia ngày 27/5 thông báo có thêm 686 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 23.851. Indonesia cũng xác nhận 55 ca tử vong mới, đưa tổng số ca tử vong lên 1.473. Tính đến 27/5, đã có 6.057 người khỏi bệnh.

Khoảng 400.000 công nhân ngành da giầy Indonesia mất việc làm do đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Hiệp hội da giầy Indonesia (Aprisindo), ông Firman Bakri cho biết ngành da giầy nước này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Đặc biệt là thời điểm từ tháng 2/2020 đến nay, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đã bị ngưng trệ do các nhà cung cấp chính từ thị trường Trung Quốc tạm ngừng hoạt động.

Nguyên liệu thô khan hiếm dẫn đến tình trạng giá cả bị đẩy lên cao, làm cho giá thành sản phẩm cũng tăng gấp nhiều lần so với giai đoạn trước khi bùng phát dịch bệnh. Trong khi đó, việc xuất khẩu hàng hóa cũng đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trước tình trạng trên, các doanh nghiệp sản xuất da giầy của Indonesia không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tạm ngừng hoạt động và buộc phải cho công nhân nghỉ việc. Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 400.000 công nhân da giầy của Inodnesia phải tạm thời nghỉ việc.

Cũng theo ông Firman Bakri, những gì đang diễn ra cho thấy ngành da dày của Indonesia đang gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều nhà máy, xí nghiệp phải tạm thời đóng cửa, một số nhà máy vẫn cố gắng duy trì hoạt động nhưng chỉ vận hành với công suất khoảng 40% hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu.

Tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài bởi dịch bệnh COVID-19 tại Indonesia vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Như vậy, số lượng công nhân phải nghỉ việc chắc chắn sẽ tăng cao hơn rất nhiều so với con số hiện tại.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Thái Lan cùng ngày thông báo số ca nhiễm mới COVID-19 đã tăng thêm 9 người, tất cả đều là công dân Thái Lan quay trở về từ nước ngoài và được được cách ly.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Sukhum Kanchanapimai cho rằng thời gian cách ly 14 ngày có thể không đủ dài và cần phải được xem xét lại. Giới chức y tế sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này và xem liệu có cần kéo dài thời gian cách ly hay không.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Thái Lan hiện là 3.054, trong đó có 2.931 ca khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong vẫn là 57.

Trong ngày 27/5, Bộ Y tế Singapore đã công bố 533 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 32.876, trong khi đó Bộ Y tế Malaysia cho biết đã phát hiện 15 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 7.619 và số ca tử vong vẫn là 115./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết