Đạo diễn- nhà văn Lê Văn Duy
Quê nội Lê Văn Duy ở Long An, quê ngoại ở An Giang nhưng ông được sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Ông vốn họ Dương, con trai của nhà giáo dục nổi tiếng Dương Văn Diêu nhưng khi ra chiến khu tham gia cách mạng đổi thành họ Lê. Trong giới văn học nghệ thuật, ai cũng biết đạo diễn- nhà văn Lê Văn Duy là em ruột của nhà văn Lê Văn Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM và là anh ruột của đạo diễn - nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy hiện là Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM. Ngoài làm phim, viết văn, Lê Văn Duy còn là nhà quản lý, từng làm Giám đốc Hãng Phim tư liệu Nguyễn Đình Chiểu, Tổng thư ký Hội Điện ảnh TP.HCM.
Dù biết nhiếp ảnh cũng liên quan đến điện ảnh, văn học nhưng hiếm có văn nghệ sĩ nào khi lớn tuổi lại chuyển sang mê chụp ảnh kỳ lạ như Lê Văn Duy. Tại một quán cà phê văn nghệ trung tâm Sài Gòn, tình cờ gặp một nữ nghệ sĩ, Lê Văn Duy liền lấy máy ảnh ra chụp. Chị không phải một tài năng hay nhan sắc nổi bật. Ông muốn chụp ảnh chị vì ông quý chị, vậy thôi.
Một Lê Văn Duy hồn nhiên và nghệ sĩ đến lạ lùng! Cùng đoàn văn nghệ Sài Gòn đi sáng tác ở miền Tây Nam bộ, thấy một hoạ sĩ tuổi ngũ tuần có những nét mà mình thích, khi đến Đất Mũi nắng nóng ông loay hoay lấy máy chụp ảnh. Không phải chụp một kiểu mà với rất nhiều tư thế. Vừa chụp, ông vừa chỉ đạo cho hoạ sĩ diễn xuất giống như khi ông đang là đạo diễn trên phim trường. Bị xoay giữa trời nóng, người hoạ sĩ nọ… nổi đóa. Ông ngơ ngác mỉm cười như chẳng có chuyện gì xảy ra. Bù lại, hầu hết thành viên trong đoàn, kể cả nhạc sĩ trưởng đoàn Trần Long Ẩn và nhất là các văn nghệ sĩ phái đẹp, khi ông đề nghị chụp hình và “chỉ đạo” xoay vòng vòng đến chóng mặt kiểu nào đi nữa, ai cũng đều vui vẻ chiều theo ý ông. Mỗi khi chụp xong, nét mặt hồn hậu hiền lành của ông rực sáng hẳn lên với nụ cười tươi rói.
Một Lê Văn Duy say mê công việc đến lạ lùng! Trong hai chuyến đi thực tế sáng tác do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 6 và cuối tháng 7 đầu tháng 8/2016 ở miền Tây Nam bộ và Nam Trung bộ, Lê Văn Duy là người luôn mang vác nặng nhất cùng lúc hai túi xách kè kè bên mình. Một túi máy ảnh và một túi máy quay phim. Soạn giả trẻ Anh Vũ ở chung phòng thường tháp tùng hỗ trợ ông. Quay phim xong cho cả đoàn và các di tích, phong cảnh nơi tham quan, thăm viếng, ông lại lấy máy ảnh ra chụp. Ông chụp cả đoàn, chụp từng nhóm, rồi chụp từng người. Các nhà biên kịch sân khấu và điện ảnh như Ngọc Trúc, Kim Oanh, Hạ Thu, Trương Huỳnh Như Trân được ông ưu ái chụp rất nhiều, đôi khi ông muốn kèm theo họ một chàng đẹp trai nào đó cho có “cặp đôi hoàn hảo” sinh động bức ảnh. Thú vị hơn, ông thích chụp cả các nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhất là Đoàn Thi Thơ mà ông hay đùa “người đẹp ống kính của tao” khi nói với tôi. Và mỗi khi các hoạ sĩ Uyên Huy, Lê Xuân Chiểu ngồi ký họa các thành viên trong đoàn, ông cũng không bỏ qua cơ hội, chụp toàn cảnh và chụp cả bức ký hoạ hoàn thành.
Một Lê Văn Duy yêu quý đồng nghiệp đến lạ lùng! Và lạ lùng hơn, đối với những văn nghệ sĩ không thích chụp ảnh, ông vẫn tìm cách chụp lén. Nhưng ông “lén” để làm gì? Vì ông yêu quý họ, muốn lưu giữ hình ảnh những văn nghệ sĩ lặng lẽ sáng tạo và cống hiến nhưng đôi khi một thước phim, một tấm ảnh về họ rất hiếm. Kinh nghiệm của một người từng trải giúp ông rút ra bài học bảo tồn ấy. Sau mỗi chuyến đi hay gặp gỡ ghi hình chụp ảnh, trở về nhà ông miệt mài chỉnh sửa, ai đồng ý thì ông công bố một phần trên facebook để chia sẻ. Còn với những người khó tính, ông lưu giữ hình ảnh họ làm tư liệu mà có lúc nhất định sẽ cần đến. Vì vậy, facebook của Lê Văn Duy hiện là một trong những trang cá nhân lưu giữ nhiều nhất hình ảnh, video clip của văn nghệ sĩ xưa nay và nhận được lượng truy cập khá lớn.
Vốn là đạo diễn, nhà biên kịch, nhà văn, bây giờ với kho tư liệu ảnh văn nghệ sĩ của mình, Lê Văn Duy còn là một nhà nhiếp ảnh đầy đam mê. Đó là chưa kể kho sách báo đồ sộ ở nhà riêng mà ông dày công sưu tầm. Lê Văn Duy cũng là người đầu tiên và cuối cùng thực hiện chân dung của Trịnh Công Sơn sau ngày đất nước thống nhất và trước khi người nhạc sĩ tài hoa từ trần. Lê Văn Duy cũng là người đầu tiên quay phim về Trần Văn Khê ngay sau khi giáo sư từ Pháp trở về nước, thổ lộ nhiều tư liệu quý giá, như chuyện nghệ sĩ Phùng Há sang Paris biểu diễn và gặp ông bàn bạc vấn đề hỗ trợ cho phong trào yêu nước. Và một người khó tính như nhà văn Trang Thế Hy, không bao giờ chịu quay phim hay chụp ảnh về mình, ấy vậy mà Lê Văn Duy vẫn tìm cách làm phim chân dung về ẩn sĩ xứ dừa. Đó là khi ông cùng anh ruột của mình là nhà văn Lê Văn Thảo và nghệ sĩ Phạm Khắc xuống Bến Tre “đột nhập” nhà riêng nhà văn Trang Thế Hy. Ba bậc đàn anh trò chuyện say sưa, Lê Văn Duy vác máy giả vờ đi loanh quanh quay phong cảnh, nhưng hình ảnh tự nhiên của Trang Thế Hy luôn trong tầm ống kính của ông. Để rồi khi phim được phát sóng, mặc dù khó chịu nhưng nhà văn Trang Thế Hy cũng xin một đĩa phim làm kỷ niệm vì trong phim có hình ảnh… vợ ông đang ngồi lặt rau sau bếp!
Cùng với điện ảnh, đến nay, có lẽ Lê Văn Duy là một trong những người làm phim chân dung nhân vật nhiều nhất Việt Nam. Ngoài các văn nghệ sĩ, ông còn quay chân dung nhiều nhân vật lịch sử trên các lĩnh vực, trong đó có loạt phim về Bí thư Thành ủy TP.HCM và Bí thư Tỉnh ủy An Giang qua các thời kỳ. Có nhân vật như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông bỏ gần 7 năm ròng để thực hiện chân dung với kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Tuy nhiên, chân dung văn nghệ sĩ luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất đối với Lê Văn Duy. Hiện nay, sức khỏe của ông giảm nhiều nhưng máu nóng nghề nghiệp vẫn cuộn trào mạnh mẽ như thời trai trẻ xuống đường tranh đấu hay lăn lộn giữa mưa rừng, lũ núi./.
Phan Hoàng