Tiếng Việt | English

27/12/2019 - 21:35

Tổ chức tài chính, tín dụng là mục tiêu tấn công của hacker năm 2020

Tấn công các tổ chức tài chính, tín dụng tiếp tục là một trong những xu hướng chủ đạo về an toàn thông tin trong năm 2020.

Theo công ty Cổ Phần An Ninh Mạng Việt Nam (VSEC), xu hướng tấn công của hacker (tin tặc) dựa trên hai mục tiêu chính là chính trị và tài chính. Trong đó, mục tiêu về tài chính sẽ tập trung vào các tổ chức tài chính – tín dụng…

Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực fintech (tài chính công nghệ), start-up và thương mại điện tử cũng là mục tiêu của tấn công mạng trong năm tới.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp do tăng trưởng nóng sẽ trở thành mục tiêu tấn công mạng trong năm 2020. (Ảnh minh họa: KT)
Với, doanh nghiệp khởi nghiệp, do tăng trưởng nóng nên thường bỏ qua nhiều thao tác trong quá trình phát triển. Đây là nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp lĩnh vực này trở thành đối tượng tấn công. Trong khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực fintech và thương mại điện tử cũng là mục tiêu tấn công mạng khi chính phủ đang khuyến khích phát triển.

2019 cũng ghi nhận là một năm khá sôi nổi các hoạt động an toàn thông tin (ATTT) mạng, thông qua việc cụ thể hóa hai luật là Luật An ninh mạng và Luật An toàn Thông tin mạng, với một số điểm nhấn:

1. Thông điệp “Make in Vietnam” (Tháng 5/2019)

Mặc dù là một thông điệp cho ngành công nghệ nói chung của Việt Nam, nhưng biểu ngữ này đã có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo mật, là tiền đề cho sự ra đời của hàng loạt các sản phẩm bảo mật chất lượng của người Việt như USEC – Thiết bị lưu trữ dữ liệu siêu bảo mật, Security Email Gateway Giải pháp phòng chống tấn công bằng mã độc tiên tiến qua hệ thống email của Viettel, EagleEye malBot – sản phẩm phát hiện và ngăn chặn mã độc trong mạng theo thời gian thực của FPT...

Đây đều là những sản phẩm bảo mật do người Việt chủ động sáng tạo, thiết kế và phát triển tại Việt Nam, tạo ra giá trị thiết thực cho cộng đồng bảo mật và người dùng.

2. Chỉ thị 14/CT-TTg 2019 bảo đảm an ninh mạng để cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam (Tháng 6/2019)

Chỉ thị này yêu cầu các cơ quan chức năng phải bảo đảm tỷ lệ kinh phí chi cho các sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng đạt tối thiểu 10% trong tổng kinh phí triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm, cùng với đó phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước.

Đây là lần đầu tiên việc đưa ngân sách cho công nghệ ATTT đc hợp thức hóa bằng văn bản, đồng thời thể hiện tinh thần thúc đẩy phát triển cho ngành bảo mật CNTT. Chỉ thị số 14 hứa hẹn sẽ mở ra kỷ nguyên mới giúp cho Việt Nam nhanh chóng cải thiện Chỉ số an toàn thông tin mạng trên các bảng xếp hạng toàn cầu.

3. Vụ nghi lộ dữ liệu 2 triệu khách hàng của một ngân hàng Việt Nam (Tháng 11/2019)

Đây không phải lần đầu các thông tin nhạy cảm của khách hàng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng bị rò rỉ, điều này minh chứng cho công tác đảm bảo ATTT, bảo mật dữ liệu ở một số tổ chức tài chính – ngân hàng tại Việt Nam hiện vẫn chưa được chú trọng đúng mức, các tổ chức cần dành nguồn lực cho bảo mật nhiều hơn, thực hiện công tác đánh giá bảo mật, ATTT hệ thống thường xuyên hơn.

4. Tinh thần hacker được thừa nhận và đưa vào các hoạt động chính thống (Tháng 11/2019)

Năm 2019 là năm đánh dấu sự phát triển rầm rộ của cộng đồng các hacker tại Việt Nam, chưa bao giờ tinh thần hacker lại được thừa nhận, ủng hộ và đưa vào các hoạt động chính thống đến thế.

Điển hình có thể kể đến một số sự kiện đáng nhớ như Hacker Street - khu trình diễn công nghệ ATTT lần thứ hai được tổ chức tại Ngày hội ATTT, Cuộc thi sinh viên với ATTT lần đầu tiên mở rộng ra khu vực ASEAN, cuộc thi Hackathon 2019 hay sự kiện ra mắt Nền tảng kết nối hacker mũ trắng lớn nhất Việt Nam ra mắt – Vietnam Bug Bounty.

Hy vọng trong tương lai, những hacker mũ trắng sẽ tìm kiếm thêm được nhiều lỗ hổng bảo mật trong và ngoài nước, giúp Chính Phủ, các tổ chức phát hiện sớm các lỗ hổng và đưa ra cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp.

5. Phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia (Tháng 12/2019)

Mới nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức xây dựng hệ sinh thải sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Đây là một hệ sinh thái nhằm tăng cường bảo đảm an toàn an ninh cho dự án Chính Phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Hệ sinh thái là một mô hình tổng thể, toàn diện và đầy đủ các giải pháp và có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn trong lĩnh vực bảo mật để chung tay xây dựng hệ sinh thái này phát triển. Việt Nam có lợi thế lớn khi có xấp xỉ 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực ICT, hoàn toàn có thể trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng./.

Vân Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích