Chế biến tôm xuất khẩu tại Hậu Giang. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Theo thông tin từ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ đang có xu hướng chững lại. Thay vì tập trung vào thị trường này, các doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược xuất khẩu, chuyển sang các thị trường khác có nhu cầu cao và có chi phí xuất khẩu thấp hơn như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng trưởng 6,7% trong năm ngoái, xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm tháng đầu năm nay tăng chậm hơn, chỉ tăng 4% với cùng kỳ năm ngoái, với kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ xuất khẩu tôm sang một số thị trường phục hồi tích cực như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đã bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và Australia.
Phân tích nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ sụt giảm, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, cho biết từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu trong nước luôn ở mức cao. Trong khi đó xuất khẩu tôm Việt vào thị trường Hoa Kỳ vẫn còn bị áp thuế chống bán phá giá cao. Điều này đã khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị “đội” lên rất nhiều khi xuất vào thị trường này.
Hiện đối thủ chính của tôm Việt ở thị trường Hoa Kỳ là Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, tuy nhiên Indonesia không bị kiện bán phá giá, còn Ấn Độ và Thái Lan dù cũng bị áp thuế chống bán phá giá nhưng có mức thuế thấp hơn so với Việt Nam.
Không những vậy, giá thành sản xuất tôm ở các nước này cũng thấp hơn Việt Nam rất nhiều nên các doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh về giá bán.
“Thị trường Hoa Kỳ cũng đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi Chính phủ nước này liên tục có những động thái ủng hộ sản xuất trong nước, tăng rào cản kỹ thuật, thuế quan và bảo hộ. Trong thời gian tới, nếu thuế chống bán phá giá tiếp tục kéo dài, tình trạng cạnh tranh về giá quá gay gắt, tôm Việt sẽ tự tìm đường 'bơi' sang các thị trường khác để có cơ hội được bán với giá tốt hơn, nhất là EU, Trung Quốc…," ông Lực cho biết.
Trong sự dịch chuyển của con tôm xuất khẩu, EU là thị trường được các doanh nghiệp đánh giá khá cao. Đây là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam, do nhu cầu ổn định và doanh nghiệp xuất khẩu sang đây được hưởng ưu đãi thuế GSP, trong khi Ấn Độ - đối thủ chính của tôm Việt Nam trên thị trường này không được hưởng.
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Na-EU (EVFTA) sắp có hiệu lực cũng là cơ hội để xuất khẩu tôm sang thị trường này có nhiều dấu hiệu tích cực.
Theo VASEP, trong thời gian tới, EU vẫn là thị trường nhạy cảm về giá và nhu cầu đối với tôm giá rẻ vẫn tăng ở các thị trường thuộc khối này. Nhu cầu tôm giá hợp lý như tôm chân trắng sẽ tăng trong khi nhu cầu tôm sú sẽ giảm. Bên cạnh đó, ở EU, nhu cầu thực phẩm dễ chế biến và chế biến nhanh đang có xu hướng tăng do áp lực công việc.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU khá tốt. Trước đây, EU chủ yếu nhập khẩu tôm HOSO (tôm nguyên con, còn đầu, còn vỏ), tuy nhiên thị trường này hiện có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm chế biến sẵn như tôm tẩm ướp gia vị, xiên que...
"Để xuất sang được thị trường này, ngoài việc chú ý vấn đề chất lượng, các doanh nghiệp phải thực sự đầu tư khâu chế biến để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm, bù đắp lại phần chi phí khác," ông Lĩnh chia sẻ.
Tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam vẫn là nước cung cấp tôm lớn nhất và chiếm gần 26% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào nước này trong quý 1/2017. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ tôm của Nhật Bản tăng cao do đồng yen Nhật tăng giá. Riêng trong quý 1, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường này tăng đến 27% so với cùng kỳ.
Người tiêu dùng Nhật Bản thường ưa chuộng các sản phẩm tôm nguyên con hấp chín và tôm nguyên con ăn liền, các sản phẩm tinh chế từ tôm như tôm sushi. Do vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý khi đẩy mạnh xuất khẩu sang đây.
Theo các doanh nghiệp, Trung Quốc cũng đang là một điểm dịch chuyển mới của tôm Việt ngoài thị trường Hoa Kỳ. Trong năm tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chung của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt kim ngạch 382 triệu USD.
Nhiều báo cáo, nhận định của các chuyên gia cho thấy Trung Quốc sẽ là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài những thị trường trên, Hàn Quốc, Australia, Brazil… đang là những thị trường tiềm năng cho tôm Việt Nam. Do vậy các doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề đa dạng hóa thị trường để tránh việc phụ thuộc nhiều vào một thị trường, dẫn đến nguy cơ phát triển không bền vững cho ngành.
Các chuyên gia cũng cho rằng, dù hiện nay vẫn có thị trường chưa đặt vấn đề chất lượng. Tuy nhiên, người nuôi tôm và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu vẫn phải chú ý thực thi các quy định về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, minh bạch hoạt động từ nguồn nguyên liệu tới quá trình chế biến nhằm tạo uy tín, thương hiệu của ngành tôm Việt Nam trên thị trường.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cũng nên có sự đầu tư vào các chứng nhận cho hoạt động sản xuất chế biến của mình, đưa ra các hoạt động cụ thể để hỗ trợ cộng đồng và môi trường. Đây được xem là con đường tốt nhất để các doanh nghiệp kinh doanh, hợp tác lâu dài với các đối tác./.
Theo TTXVN