Tiếng Việt | English

14/06/2021 - 12:35

Trăn trở chuyện “an cư” cho công nhân, người thu nhập thấp

Những năm qua, tỉnh Long An trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với sự phát triển công nghiệp thì thương mại - dịch vụ, xây dựng, đô thị, dân cư cũng phát triển theo. Cũng chính vì vậy, nhu cầu nhà ở cũng tăng cao, trong đó vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động (CNLĐ), người có thu nhập thấp được đặt ra với nhiều trăn trở.

Nhà ở xã hội Lainco ở xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An

Nhà ở xã hội Lainco ở xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An

Nhà ở còn xa vời với nhiều người

Thực hiện chương trình phát triển nhà ở tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 từng bước huy động được xã hội hóa và đạt những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế cần có giải pháp để giải quyết.

Đơn cử trên địa bàn tỉnh có 16 khu công nghiệp và 22 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 160.000 CNLĐ. Thế nhưng, qua rà soát, số lượng nhà ở cho CNLĐ trong  khu, cụm công nghiệp (K,CCN) còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện toàn tỉnh có 15 dự án nhà ở xã hội dành cho CN nhưng mới có 2 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng với khoảng 1.100 căn; còn 13 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng.

Qua rà soát, trong số 160.000 CNLĐ đang làm việc trong các K,CCN hiện nay, có khoảng 30% (tương ứng với khoảng 48.000 người) có khó khăn về nhà ở. Hiện nay, những CN này chủ yếu thuê các phòng trọ nhỏ, hẹp do các hộ dân xây dựng để ở tạm theo tháng. 

Thuê nhà trọ ở và đi làm CN tại một công ty trong KCN đóng tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa được hơn 1 năm, vợ chồng trẻ Lê Thị Lý và Nguyễn Hoàng Công, quê Bến Tre, có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Với số tiền đó, sau khi trừ các khoản chi tiêu, đóng tiền thuê trọ thì cũng không còn dư nhiều. “Vợ chồng đã bàn tính và suy nghĩ rất nhiều, tương lai chưa nói trước điều gì nhưng cũng xác định cố gắng làm ở công ty ít năm, tích góp được số vốn rồi về quê tìm việc” - anh Công chia sẻ.

Trong thực tế, những CN có cùng suy nghĩ như vợ chồng này rất nhiều. Ngoài chuyện lương, thưởng, môi trường làm việc thì nhiều người cảm thấy về lâu dài, cuộc sống sẽ không ổn định nếu cứ mãi đi thuê nhà trọ ở, trong khi kinh tế khó khăn, lấy tiền đâu một lần mà mua đất, nhà riêng biệt, thương mại. Vì vậy, CN mong muốn có nhiều nhà ở xã hội ưu đãi để có thể tiếp cận được.

Trong khi đó, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị cũng cần được đặc biệt quan tâm để có giải pháp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 30.000 người thu nhập thấp tại đô thị có khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, chưa có những cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ về nhà ở cho những đối tượng này. Hiện nay, trên địa bản tỉnh mới chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tổng diện tích đất 11.432m2, với 98 căn.

Nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong thực hiện, có thể kể đến là quỹ đất thực hiện nhà ở xã hội không có; nguồn vốn mà ngân hàng phân bổ để hỗ trợ tham gia phát triển nhà ở xã hội thấp. Các nhà đầu tư vẫn còn tư tưởng đây là công việc chung của xã hội nên cũng chưa nhiệt tình tham gia; lợi nhuận về nhà ở xã hội còn thấp không thu hút được các nhà đầu tư thực hiện.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia

Để giải quyết nhu cầu “an cư” cho CN đang làm việc tại các K,CCN, giai đoạn 2020-2025, phấn đấu sẽ đầu tư xây dựng khoảng 194.000m2, tương ứng với 4.848 căn (khoảng 40m2/căn), đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 40% CN có khó khăn về nhà ở. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu đầu tư xây dựng 291.000m2, tương ứng với 7.272 căn (khoảng 40m2/căn), đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 60% CN có khó khăn về nhà ở.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt, tổng diện tích nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách khoảng 2,7 triệu m2. Trong đó, diện tích nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức khoảng 1,1 triệu m2, còn lại là nhà ở CN và nhà ở tái định cư. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 7/258 dự án khu dân cư, đô thị, K,CCN có dành quỹ đất cho việc xây dựng nhà ở xã hội; tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội còn chậm.

Do đó, các dự án có dành quỹ đất cho việc xây dựng nhà ở xã hội tiếp tục được triển khai đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030. Cụ thể, giai đoạn 2020-2025, phấn đấu xây dựng khoảng 7.100 căn tương ứng với diện tích khoảng 500.000m², (dự kiến mỗi căn hộ có diện tích khoảng 70m2). Giai đoạn 2026-2030, xây dựng khoảng 8.500 căn, tương ứng với khoảng 600.000m2.

Thông tin về phát triển nhà ở của tỉnh, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Huỳnh Văn Sơn, thời gian tới, cần tiếp tục chú trọng thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu, lập kế hoạch phát triển nhà ở, đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó, có chỉ tiêu có tính định hướng về phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển KT-XH hàng năm để làm cơ sở chỉ đạo, kiểm tra công tác triển khai, thực hiện của chính quyền các cấp.

Để bảo đảm các kế hoạch phát triển nhà ở được thực hiện đạt mục tiêu đề ra cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Các cấp, các ngành liên quan thực hiện tốt công tác lập, phê duyệt và triển khai các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, phủ kín trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để làm cơ sở triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại, tái định cư.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Minh Hùng, phải tăng cường công tác triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia vào lĩnh vực phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội trên địa bàn có nhiều K,CCN. Khai thác có hiệu quả, tiết kiệm quỹ đất; huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở. Tiếp tục đẩy mạnh mô hình phát triển nhà ở theo dự án đồng bộ bảo đảm hình thành các khu đô thị mới hoặc các đô thị hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của đô thị cũ. Thường xuyên tiến hành rà soát lại các dự án nhà ở, khu đô thị mới đã giao cho các chủ đầu tư nhưng chậm trễ kéo dài, không triển khai để kiến nghị tỉnh xem xét thu hồi, giao chủ đầu tư khác thực hiện.

Đồng thời, để thực hiện chương trình phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội thì các cấp, các ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát cộng đồng trong việc xây dựng và thực thi pháp luật về nhà ở, việc công khai thông tin quy hoạch và dự án phát triển nhà theo quy định. Qua đó, kiên quyết chấn chỉnh và xử lý kịp thời đối với chủ đầu tư thực hiện sai các quy định, xây dựng, hoặc cung cấp sai các thông tin về quy hoạch, dự án để trục lợi./.

Lê vy

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích