Tiếng Việt | English

12/11/2021 - 08:22

Tránh tái nghèo sau dịch bệnh

Sau đại dịch, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn tiếp tục được thực hiện nhằm giúp các hộ khó khăn có thể bắt nhịp lại với cuộc sống “bình thường mới”.

Sau dịch, các địa phương vẫn quan tâm công tác an sinh xã hội để các hộ nghèo, cận nghèo,​khó khăn có điều kiện ổn định cuộc sống

Giúp những hoàn cảnh khó khăn bắt nhịp với cuộc sống mới

Theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Số lao động đi làm ăn xa trở về từ tháng 4 đến nay là trên 3.700 người, trong đó có 2.250 phụ nữ và trẻ em. Đa số người trở về là lao động phổ thông, thu nhập không ổn định. Ngoài ra, số lao động ngừng việc do doanh nghiệp dừng hoạt động trên 270.000 người.

- Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã hỗ trợ cho trên 78.000 lao động tự do (bán vé số, và các đối tượng lao động khác) với số tiền trên 140 tỉ đồng. Các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục rà soát, tổng hợp, xét duyệt và tiến hành hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng lao động tự do.

Sau khi các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ, địa phương thiết lập cuộc sống “bình thường mới”, chị Dương Thị Kim Huệ (khu phố Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) trở lại với công việc. Sáng, chị dậy sớm nấu bữa cơm rồi đi vòng quanh thị trấn thu mua ve chai. Sau đợt dịch, ai cũng khó khăn nên chị không mua được gì nhiều. Chồng chị sức khỏe yếu, 2 con còn nhỏ, đang tuổi ăn, tuổi học, gia đình không có đất sản xuất nên gánh nặng kinh tế dồn lên đôi vai chị.

Chị Huệ kể: “Suốt mấy tháng nghỉ dịch ở nhà, tôi xài “thâm” cả tiền vốn mua ve chai. Cũng may có hỗ trợ của Nhà nước, được địa phương, mạnh thường quân tặng gạo, rau, củ nên cũng đỡ. Đợt này, Hội Phụ nữ tạo điều kiện cho tôi vay vốn. Tôi sẽ có vốn đi mua ve chai”. Gia đình chị Huệ thuộc diện cận nghèo. Nguồn sống của 4 người chỉ trông vào xe ve chai của chị. Nếu có đủ vốn, chị sẽ mua được nhiều, trữ tại nhà trước khi giao cho vựa, tiền lãi kiếm được nhiều hơn và đỡ mất công sức hơn. Hiện tại, vì không đủ vốn nên chị phải mua và bán lại trong ngày để có tiền chi tiêu trong gia đình.

Nếu có được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Dương Thị Kim Huệ sẽ mua được nhiều, trữ tại nhà trước khi giao cho vựa, tiền lãi kiếm được nhiều hơn và đỡ mất công sức hơn

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Tân Trụ - Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết: “Sau đợt dịch thứ 4, nhu cầu vay vốn của hội viên tăng. Ai cũng cần vốn để mưu sinh. Ngoài hơn 20 hồ sơ được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân, tôi đang chuẩn bị làm hồ sơ cho một số hội viên nữa vay, trong đó có chị Huệ. Hy vọng các chị sẽ sớm nhận được vốn để xoay xở”.

Trong buổi đến thăm, chị Thắm còn mang theo phần quà an sinh xã hội tặng gia đình chị Huệ. Được biết, đó là quà do Tỉnh hội phân bổ cho địa phương, trao cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau dịch. Nhận phần quà, chị Huệ vui mừng: “Hồi đầu năm học, con tôi được tặng bộ đồng phục và tập, giờ lại được nhận quà, tôi mừng quá!”. Sự giúp đỡ đó giúp chị Huệ và gia đình lấy lại sự cân bằng sau đại dịch.

Sau khi khảo sát, Công ty Điện lực Long An cho biết sẽ sớm thi công thay mới toàn bộ đường dây, lắp mới 2 bóng đèn cho gia đình chị Nguyễn Thị Mượng

Cũng như gia đình chị Huệ, mẹ con chị Nguyễn Thị Mượng (khu phố Bình Đông 1, phường 3, TP.Tân An) gặp không ít khó khăn trong và sau đại dịch. Chị Mượng bán vé số nuôi con trai đang học lớp 2. Trước đây, nếu mỗi ngày chị bán được khoảng 300 tờ vé số thì sau dịch chỉ bán được 100 tờ. Con trai chưa đến trường vì dịch bệnh nên chị không yên tâm để bé ở nhà một mình.

Chị nói: “Suốt mùa dịch, 2 mẹ con ở nhà, sống gói ghém trong phần hỗ trợ và quà tặng của chính quyền. Bây giờ dịch bệnh vẫn còn, con chưa đi học nên tôi không dám đi bán nhiều. May được hàng xóm thương, địa phương quan tâm nên 2 mẹ con cũng đỡ”. Trong căn nhà chật hẹp, vật dụng đáng giá nhất có lẽ là chiếc tivi đời cũ để con trai chị học qua tivi mỗi ngày. Thấy gia đình chị khó khăn, Trưởng khu phố Bình Đông 1 - Đỗ Văn Thủy đã làm hồ sơ đề nghị Điện lực hỗ trợ gia đình chị Mượng hệ thống điện sinh hoạt trong gia đình. Sau khi khảo sát, phía công ty cho biết sẽ sớm thay mới toàn bộ đường dây, lắp mới 2 bóng đèn cho gia đình chị và sẽ hỗ trợ con trai chị Mượng 1 chiếc đèn bàn.

Chăm lo đời sống người dân

Việc chăm lo, hỗ trợ các hộ khó khăn trong dịch bệnh được các cấp chính quyền hết sức quan tâm. Trong đợt dịch thứ 4, tỉnh đã tiếp nhận 807 tấn gạo từ Tổng cục Dự trữ nhà nước hỗ trợ cho trên 5.000 hộ nghèo, 12.000 hộ cận nghèo trong toàn tỉnh. Ngoài ra, công tác xã hội hóa để hỗ trợ, chăm lo cho các hộ gặp khó khăn trong đại dịch cũng được chú trọng: Vận động giảm tiền nhà trọ, tiền điện, nước, suất ăn 0 đồng,... với tổng số tiền 190 tỉ đồng. Đồng thời, tổng nguồn ngân sách các cấp hỗ trợ người dân trong đại dịch trên 350 tỉ đồng.

Sau khi thiết lập cuộc sống “bình thường mới”, công tác chăm lo vẫn tiếp tục được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi, vận động mạnh thường quân tặng quà an sinh xã hội, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân.

Tại huyện Châu Thành, công nhân làm tại các kho thanh long được ưu tiên tiêm vắc-xin và nhận quà hỗ trợ, giúp họ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống. Đó cũng là cách Châu Thành giúp người lao động duy trì việc làm và giải quyết đầu ra cho cây thanh long trên địa bàn huyện. Được biết, Châu Thành vừa nhận được 7 tấn gạo từ chương trình Túi gạo nghĩa tình do Công an tỉnh phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thực hiện. Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải, toàn bộ số gạo trên sẽ được trao tặng những lao động gặp khó khăn trong dịch, phần nào giúp họ ổn định trước khi khởi động lại công việc trong “bình thường mới”.

Một số địa phương khác trong tỉnh tổ chức cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, tìm kiếm việc làm, tìm nơi ở cho người lao động. Việc hỗ trợ vay vốn cũng được các địa phương đặc biệt chú trọng sau đại dịch. Các hội, đoàn thể đang quản lý nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực đẩy mạnh hỗ trợ hội viên vay vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phối hợp trung tâm dịch vụ việc làm địa phương tổ chức đào tạo cho người lao động thất nghiệp chưa tìm được việc làm.

Sau đại dịch, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Tất cả mọi người đều gặp khó khăn. Thiết lập cuộc sống “bình thường mới”, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thể bình thường như trước. Người lao động, nhất là những đối tượng dễ tổn thương như hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn,... cần được sự nâng đỡ, hỗ trợ để không rơi vào tình trạng tái nghèo trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Chính vì thế, trong Báo cáo Công tác đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp chăm lo đời sống người dân; tăng cường tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, tạo điều kiện thuận lợi kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động đang có nhu cầu tìm việc làm.

Tất cả những nỗ lực trên đều hướng tới mục tiêu giúp đời sống người dân ổn định hơn, tránh tình trạng tái nghèo sau dịch bệnh./.

UBND thị trấn luôn chú trọng việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân song song với chống dịch. Trong dịch, chúng tôi đã vận động tặng 100 triệu đồng tiền mặt, 400 triệu đồng tiền quà cho người dân. Sau dịch, chúng tôi vẫn tiếp tục vận động xã hội hóa hỗ trợ các hộ khó khăn. Đặc biệt, các hội, đoàn thể phát huy vai trò của hội trong cho vay vốn ngân hàng chính sách, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế. Nổi bật có thể kể đến là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn”.

Chủ tịch UBND thị trấn Tân Trụ - Mai Thanh Tân

Sau dịch, ai cũng khó khăn nên chị em có nhu cầu vay vốn nhiều. Tôi vừa làm xong hồ sơ cho một số chị vay làm vốn chăn nuôi. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội lãi suất thấp nên hỗ trợ được chị em rất nhiều”.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bình Hòa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Ngâu

Nói về giúp đỡ vốn sau dịch thì nhiều lắm! Các hội, đoàn thể thì có vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; ngoài ra, còn có nhiều nguồn vốn vay khác: Quỹ CEP, vay sinh viên, vay nước sạch,... Ai cần thì cứ liên hệ, tùy vào từng đối tượng và nhu cầu để xét. Còn về tặng quà thì thường xuyên, nhất là trong dịch”.

Trưởng khu phố Bình Đông 1, phường 3, TP.Tân An - Đỗ Văn Thủy

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích