Tiếng Việt | English

13/02/2016 - 10:14

Tranh thủy mặc mang phong cách Việt

Chắc hẳn rằng, những ai nghe đến tranh thủy mặc hầu hết đều biết đây là loại tranh truyền thống Trung Hoa. Từ khi theo chân những người Hoa xa xứ từ cuối thế kỷ XVIII, tranh thủy mặc có những biến chuyển, hòa quyện cùng nền văn hóa bản địa với những nét đặc trưng rất Việt Nam...


Nhà thư pháp Lê Cảnh Vĩnh (áo đen) và nhà thư pháp Phước Tám cùng thực hiện một tác phẩm thủy mặc phong cách Việt

Tranh thủy mặc là một loại hình hội họa có nguồn gốc Trung Hoa từ rất lâu đời, sử dụng chủ yếu là nước (thủy) cùng với mực (mặc). Ngoài ra, một nguyên liệu đặc biệt của tranh thủy mặc là giấy xuyến chỉ - một loại giấy trắng, mịn và rất mỏng manh với đặc điểm là khả năng hút nước rất mạnh. Chính vì vậy, họa sĩ phải suy nghĩ bố cục, ý tưởng và đường nét rất kỹ, một khi đặt bút xuống thì không thể sửa chữa. Một họa sĩ muốn vẽ tranh thủy mặc phải trải qua thời gian dài khổ luyện. Bởi vì, cũng là giấy, là mực, là nước nhưng có trăm ngàn cách phối hợp khác nhau. Tranh thủy mặc kỳ công ngay từ cách phối màu, tùy mỗi nét, mỗi chi tiết mà có cách sử dụng tỷ lệ nước và mực khác nhau, tạo ra sắc đậm, nhạt, ẩn, hiện vô cùng độc đáo. Có thể ngồi cùng một họa sĩ đang thực hiện một tác phẩm, nhìn cách họ di chuyển bút lông trên nền giấy, sắc thái, biểu cảm, bàn tay lướt đi trên giấy cùng cách nhấn nhá, dứt khoát hay uyển chuyển chẳng kém gì một võ sư.

Về cơ bản, nếu chia theo phong cách vẽ, tranh thủy mặc có 2 lối vẽ là công bút và ý bút. Công bút là cách vẽ chi tiết, tả thực, kỳ công và rất chăm chút cho từng đường nét, màu sắc của tác phẩm. Lối vẽ ý bút thì ngược lại, vô cùng phóng khoáng, nhanh, dứt khoát với những nét chấm phá đơn giản nhưng phải truyền được cái thần của chủ thể. Khi phân loại theo nội dung, tranh thủy mặc truyền thống chỉ xoay quanh những chủ đề về hoa lá, chim muông (hoa điểu họa), phong cảnh (sơn thủy họa) và con người (nhân vật họa). Khi du nhập vào nước ta, vẫn những đề tài ấy, nhưng các họa sĩ vẽ tranh thủy mặc phong cách Việt đưa những hình ảnh rất Việt Nam vào trong tác phẩm. Ví dụ, thay vì sử dụng hoa mẫu đơn tượng trưng cho phú quý, cát tường của người Trung Quốc, họa sĩ Việt có thể vẽ những loại hoa đặc trưng của quê hương mình, thậm chí, những cánh hoa đồng nội như hoa trinh nữ cũng có thể đưa vào tác phẩm. Hay như tranh phong cảnh, thay vì vẽ núi non hùng vĩ thì tác phẩm thủy mặc Việt lại miêu tả những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước như: Tháp Rùa, Hồ Gươm, Vịnh Hạ Long hay đôi khi chỉ là những hình ảnh hết sức mộc mạc như: Bến nước, con đò, mái nhà tranh liêu xiêu bên khói lam chiều hay mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo,... Bình dị và gần gũi vô cùng!


Tác phẩm Hồ Gươm của tác giả Phước Tám

Dù có mặt tại Việt Nam từ lâu, thế nhưng những năm gần đây, thủy mặc phong cách Việt mới được nhiều người biết đến. Nói đến tranh thủy mặc, phải nhắc đến thư pháp. Hiện tại, hầu hết các họa sĩ vẽ tranh thủy mặc nổi tiếng tại nước ta chủ yếu là các họa sĩ gốc Hoa như: Trương Hán Minh, Lý Khắc Nhu, Lý Tùng Niên,... Đặc biệt trong đó, Họa sĩ Trương Hán Minh vẽ những tác phẩm thủy mặc rất Việt Nam như: Góc biển Cà Mau, Vịnh Hạ Long, Ký ức Trường Sơn, Sắc thu hồ Hoàn Kiếm,... Sau này, với tranh thủy mặc Việt, Trần Văn Hải cũng là họa sĩ được nhiều người mến mộ qua các tác phẩm đậm chất Việt Nam như: Mồ hôi trên bãi tràm, Khoe sắc, Phiên chợ cá Long Hải,...

Thông thường, khi vẽ tranh thủy mặc, họa sĩ phải có kiến thức về thư pháp, và hầu như các họa sĩ vẽ tranh thủy mặc Việt hiện nay đa phần cũng là những nhà thư pháp. Theo Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Cung Văn hóa Lao động TP.HCM - Lê Cảnh Vĩnh, vào khoảng năm 2000, khi phong trào thư pháp chữ Việt “rộ” lên và về sau này, các nhà thư pháp cũng rất đam mê tranh thủy mặc nên “tầm sư học đạo” và miệt mài khổ luyện. Tuy nhiên, tranh thủy mặc truyền thống Trung Quốc hầu như chỉ có tranh, viết rất ít, chỉ chủ yếu điểm xuyết vài dòng bút tích của tác giả về thời gian, địa điểm vẽ tác phẩm (lạc khoản) hay một dòng thơ ngắn (đề thư). “Thơ, thư, họa, ấn” hay “thư, họa đồng nguyên” là những nét đặc trưng của tranh thủy mặc. Một người vẽ tranh, một người bạn tri âm, tri kỷ đề thơ tặng, rất ý nghĩa! Ngoài ra, một số họa sĩ, thay vì dùng giấy xuyến chỉ, họ thay bằng giấy dó Việt Nam (thường sử dụng trong tranh dân gian Đông Hồ). Đây cũng là điều đặc biệt mà tranh truyền thống Trung Hoa không có.


Tác phẩm Thác Bản Giốc của tác giả Phước Tám

Các thành viên Câu lạc bộ Thư pháp Cung Văn hóa Lao động TP.HCM có khá nhiều người yêu thích thủy mặc, đặc biệt là thủy mặc phong cách Việt, trong đó, có nhà thư pháp Phước Tám. Anh chia sẻ: “Với suy nghĩ, đất nước mình có nhiều danh lam thắng cảnh, tại sao không đưa vào trong tác phẩm? Vậy là từ đó, bên cạnh các bức tranh truyền thống, tôi thường xuyên vẽ phong cảnh, đất nước, con người Việt Nam hơn như: Hồ Gươm, thác Bản Giốc, tháp Bằng An (Quảng Nam), hòn Thiên Nga,... Bên cạnh hình ảnh, ta có thể đề một hai câu thơ ngắn, bức tranh càng sinh động và ý nghĩa hơn!”. Hiện tại, điều mà những người yêu tranh thủy mặc trăn trở chính là có nhiều người không đi sâu học hỏi, chỉ sao chép tranh truyền thống mà không tự sáng tạo những tác phẩm mang dấu ấn của riêng mình. Hy vọng trong thời gian tới, tranh thủy mặc phong cách Việt ngày càng được nhiều người biết đến, có một lối đi, một chỗ đứng vững chắc trong lòng những người yêu nghệ thuật.

Vẫn là mực tàu, vẫn là giấy xuyến chỉ, vẫn nét bút nghiêng lả lướt theo đôi tay tài hoa của người họa sĩ, ấy vậy mà bức tranh khởi nguồn từ Trung Hoa giờ đây lại chuyển tải những hình ảnh rất Việt Nam. Càng ý nghĩa hơn khi những hình ảnh, đường nét trong tranh lại vô cùng sống động dưới đôi bàn tay của những họa sĩ Việt. Không thể ngăn cản sự giao lưu văn hóa, học hỏi những cái hay, cái đẹp, nhưng điều quan trọng, ta hòa nhập nhưng không hòa tan, được quyền chắt lọc những tinh túy, những cái hay và biến chuyển linh hoạt cho phù hợp với văn hóa, bản sắc riêng của mình, một sự tiếp biến khá độc đáo./.

Vẫn là mực tàu, vẫn là giấy xuyến chỉ, vẫn nét bút nghiêng lả lướt theo đôi tay tài hoa của người họa sĩ, ấy vậy mà bức tranh khởi nguồn từ Trung Hoa giờ đây lại chuyển tải những hình ảnh rất Việt Nam.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết