Tiếng Việt | English

20/07/2020 - 13:35

Tri ân và câu chuyện của người trong cuộc

Tôi gặp dì trong một lần đi viếng nghĩa trang dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Với bộ bà ba đen và chiếc khăn rằn, ban đầu tôi còn ngỡ dì trong đội văn nghệ, sau đó mới biết, dì chọn bộ độ đồ này để em dì… dễ nhận ra. Gia đình có 2 chị em đều tham gia cách mạng. Ngày hòa bình, dì trở về còn người em cứ mãi không có tin tức. Hơn 10 năm dò hỏi mới biết em dì đã hy sinh ở Mộc Hóa. Biết bao năm tìm kiếm nhưng vẫn không có thông tin về hài cốt của con trai, từ đó má dì cứ xem như con mình đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ nào đó và cứ mỗi lần lễ, tết, dì và má đều đến các nghĩa trang viếng phần mộ liệt sĩ. Rồi má mất, dì tiếp tục công việc đó và hy vọng rằng ở một nơi xa xôi, em dì sẽ được ấm lòng khi thấy mọi người quan tâm, tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, bằng tất cả tình cảm chân thành.

Dì kể, ngày trước, dì thường mặc bộ bà ba đen, quấn khăn rằn nên mỗi lần viếng nghĩa trang, dì lại chọn bộ đồ này để em mình có thấy thì dễ nhận ra. Và trong từng lời kể nghẹn ngào của dì, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc khi những ngày lễ, tết, nhiều người đến viếng, thắp hương các phần mộ liệt sĩ. Có cần chi những điều lớn lao, đôi khi sự quan tâm chính là nguồn an ủi lớn nhất đối với những gia đình có công. Dì kể thêm, cứ đến lễ, tết, chính quyền địa phương lại đến nhà thắp nhang cho em dì. Ngoài những chế độ, chính sách dành cho gia đình có công, gia đình dì vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Như một thói quen, lần nào đến viếng nghĩa trang, tôi cũng tìm dì. Giờ đây, dì không còn đau đáu khi chưa tìm được phần mộ em mình. Dì biết, còn biết bao liệt sĩ nằm lại trong lòng đất mẹ và còn biết bao gia đình chưa tìm được phần mộ con mình như gia đình dì nhưng dì tin rằng, dù nằm nơi đâu, các anh cũng sẽ ấm lòng khi biết quê hương mình được như hôm nay và các thế hệ hôm nay và cả mai sau nữa, luôn thể hiện lòng tri ân đối với các anh./.

Quỳnh Lam

 

Chia sẻ bài viết