Cho ý kến dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết phải ban hành luật vì sau 4 năm thực hiện Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều bất cập.
“Khi thì mạnh tay, khi thì bó tay”
Nhấn mạnh đây là luật quan trọng tác động đến quyền sống, sức khỏe của con người, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: “Việc sử dụng thời gian qua đặt ra vấn đề gì bức xúc, có hay không lạm dụng công cụ hỗ trợ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân?”.
Theo bà Nga, qua báo cáo tổng kết thì chỉ thiên về tổng kết quản lý nhưng kết quả tổ chức thực hiện thì chưa có và cũng chưa có đánh giá về sử dụng vũ khí như thế nào, nhất là các trường hợp nổ súng. Báo chí và người dân trong thời gian qua phản ánh rất nhiều, có những cá nhân lạm dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, ông Nguyễn Mai Bộ cho biết, một số ý kiến cho rằng, quy định trường hợp nổ súng như dự thảo Luật chưa cụ thể, còn chung chung khó vận dụng trong thực tiễn; một số trường hợp cụ thể người thi hành công vụ không thể nhận biết. Do đó đề nghị quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn; đồng thời đề nghị cân nhắc việc mở rộng tình huống nổ súng (đối với đối tượng phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng) để quy định phù hợp với chính sách xử lý hình sự.
Trung tướng Nguyễn Công Sơn (Ảnh: CAND)
Giải trình về vấn đề này, Trung ướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, các trường hợp nổ súng rất khó quy định cụ thể trong luật vì trong chiến đấu vì an ninh quốc gia rất muôn hình vạn trạng cho nên không thể quy định hết được.
Đại diện Bộ Công an cũng cho rằng: “Hạn chế trong thời gian qua là quy định chưa rõ nên có trường hợp trong khi thi hành công vụ, anh em khi thì mạnh tay, khi thì bó tay, khi cần nổ súng lại không nổ súng, khi không cần thiết lại nổ súng”, đại diện Bộ Công an nói.
Đề nghị trang bị vũ khí cho cơ quan điều tra Viện KSNDTC
Theo dự thảo luật, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng mà chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ.
Theo giải trình của đại diện cơ quan soạn thảo, do thực tiễn những năm qua cho thấy cơ cấu, tổ chức cơ quan điều tra của Viện KSNDTC có biên chế ít; số vụ việc điều tra không nhiều; đối tượng phạm tội là người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Mặt khác, trong quá trình bắt giữ, đã có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng Công an.
Không đồng tình với quy định này, ông Nguyễn Hải Phong – Phó Viện trưởng VKSNDTC nói: “Đã là tội phạm thì giống nhau dù là tội phạm cổ cồn, đặc biệt đối tượng tội phạm tư pháp là điều tra viên cấp huyện, cấp tỉnh, kiểm sát viên hoặc là thẩm phán cấp tỉnh, cấp huyện thì cách chống trả tinh vi hơn”.
Ông Phong cũng dẫn số liệu thống kê của Viện KSNDTC báo cáo cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cho thấy, trong 5 năm qua, tội xâm phạm tư pháp bình quân mỗi năm 141 vụ/300 bị can.
“Có lần tôi đã báo cáo trường Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là có tình trạng bắt người bằng dây thừng. Đây là điều rất thật!” – ông Nguyễn Hải Phong chia sẻ, đồng thời bày tỏ, nếu không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, thì sẽ nguy hại trực tiếp đến lực lương Điều tra viên của Viện KSND Tối cao.
“Cũng như Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao cũng phải bắt người, nếu không được trang bị vũ khi sẽ rất nguy hiểm”– ông Phong nói./.
Ngọc Thành/VOV.VN